Sau phần phát biểu khai mạc và giới thiệu chung về hệ thống giáo dục đại học Việt Nam của TS. Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hà Nội, Ngài đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel đã nêu vắn tắt những thành tựu mà giáo dục Ba Lan đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong tự chủ đại học. Ngài đại sứ cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho các hoạt động của hai bên Việt Nam - Ba Lan nhằm tăng cường năng lực cho các đại học ở Việt Nam cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đại diện cho Cơ quan trao đổi hàn lâm Ba Lan NAWA, bà Agnieszka Stefaniak - Hrycko đã giới thiệu những đặc điểm chung về giáo dục đại học ở Ba Lan, đất nước có hơn 400 cơ sở giáo dục đại học (đứng đầu châu Âu), hơn 1,35 triệu sinh viên và hơn 40.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Các cơ sở đại học Việt Nam và Ba Lan cũng đã trao đổi những kinh nghiệm hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác song phương nói riêng và mong muốn tìm kiếm các đối tác phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng của mình.
Một thành viên của đoàn các trường đại học của Ba Lan, trường AGH Krakow, là một đối tác thân thiết và lâu dài với Trường Đại học Mỏ Địa chất. AGH Krakow đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cho trường Đại học Mỏ - Địa chất, và trong những năm gần đây tăng cường các hoạt động trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên như các chương trình UNESCO và ERASMUS. Ngoài ra, hai năm một lần, hội nghị khoa học quốc tế Việt Nam - Ba Lan được tổ chức luân phiên tại hai nhà trường để tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trẻ công bố kết quả nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm.