Nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN cấp Bộ mã số B2016-MDA-11ĐT do TS Vũ Văn Trí làm chủ nhiệm

12/06/2018

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu phương pháp xác định dị thường trọng lực cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa bằng số liệu đo cao vệ tinh và số liệu trọng lực vệ tinh”

Mã số: B2016-MDA-11ĐT 

Thời gian thực hiện: 2016-2017

Chủ nhiệm đề tài: TS Vũ Văn Trí 

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thời gian nghiệm thu: 8h30' ngày 15 tháng 6 năm 2017 (Thứ Sáu)

- Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;

Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mục tiêu đề tài:  

- Đề xuất được phương pháp xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh và trọng lực vệ tinh.

- Xác định được dị thường trọng lực cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa bằng số liệu đo cao vệ tinh của nhiều loại vệ tinh đo cao và số liệu trọng lực vệ tinh.

- Thành lập được bản đồ dị thường trọng lực cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

Tính mới và sáng tạo

- Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam đề xuất được phương pháp xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh ở chế độ đo GM.

- Lần đầu tiên Việt Nam xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh ở chế độ đo GM trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

 Kết quả nghiên cứu của đề tài:

- Xây dựng được phương pháp xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh kết hợp với số liệu trọng lực vệ tinh và số liệu đo trọng lực trực tiếp trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

- Xây dựng được chương trình máy tính cho phép xác định dị thường trọng lực biển bằng số liệu đo cao vệ tinh và số liệu trọng lực vệ tinh.

- Thu thập và lựa chọn được bộ số liệu đo cao vệ tinh CRYOSAT-2 trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa với tổng số 52 chu kỳ, đo trong thời gian gần 4 năm, tổng số là 72.483 điểm đo; Sản phẩm cấp 3 của vệ tinh trọng lực GOCE phục vụ mục đích nghiên cứu; Số liệu đo trọng lực trực tiếp trên tàu tại khu vực nghiên cứu.

- Xác định được dị thường trọng lực trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa từ số liệu đo cao vệ tinh, số liệu trọng lực vệ tinh. Các kết quả được so sánh với số liệu đo trọng lực trực tiếp.

- Kết hợp số liệu đo cao vệ tinh và số liệu đo trọng lực trực tiếp để xác định ra dị thường trọng lực trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa ở dạng grid với kích thước mắt lưới là 3’ x 3’.

- Thành lập được bản đồ số dị thường trọng lực cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

Sản phẩm của đề tài đã được, gồm:

- Phương pháp xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh và số liệu trọng lực vệ tinh trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa

- Chương trình máy tính xác định dị thường trọng lực bằng số liệu đo cao vệ tinh và số liệu trọng lực vệ tinh

- Bộ số liệu dị thường trọng lực xác định bằng số liệu đo cao vệ tinh và số liệu trọng lực vệ tinh cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

- Bản đồ số dị thường trọng lực cho vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa.

- Công bố 01 bài báo trên tạp chí quốc tế, 06 bài báo trên tạp chí trong nước và 03 báo cáo trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế.

- Xuất bản sách chuyên khảo “Xác định dị thường trọng lực biển bằng số liệu đo cao vệ tinh”.

- Đào tạo 02 thạc sỹ và tham gia đào tạo 01 NCS.

Hiệu quả, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng

- Các kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo tại Trường Đại học Mỏ - Địa Chất và các trường đại học khác có đào tạo về Trắc địa. Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo trực tiếp cho các môn học: “Đo trọng lực nâng cao” ở bậc đào tạo Tiến sỹ;  “Đo cao vệ tinh”  giảng dạy ở bậc đào tạo Thạc sỹ; “Đo trọng lực” ở bậc học đại học.

- Đề tài đã đào tạo được 02 thạc sỹ, tham gia đào tạo 01 tiến sĩ góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực xử lý số liệu đo cao vệ tinh.

- Các kết quả của đề tài đã đóng góp tích cực vào việc ứng dụng công nghệ đo cao vệ tinh để xác định dị thường trọng lực trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa, phát triển lý thuyết về xử lý số liệu đo cao vệ tinh ở Việt Nam.

- Kết quả xác định dị thường trọng lực trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa là số liệu dị thường trọng lực đầu tiên cho vùng biển này do Việt Nam tự tính toán từ số liệu đo cao vệ tinh. Đây là tài liệu điều tra cơ bản phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng trên khu vực nghiên cứu.

- Bộ số liệu dị thường trọng lực và bản đồ dị thường trọng lực của vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa góp phần quan trọng làm phong phú cơ sở số liệu điều tra cơ bản về quần đảo này, có giá trị trong công tác nghiên cứu, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, khai thác tiềm năng vùng biển này để phát triển kinh tế, khẳng định vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

- Các ấn phẩm khoa học của đề tài như bài báo khoa học, báo cáo hội nghị, báo cáo tổng kết đề tài góp phần tăng cường nhận thức của các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài nước, bè bạn quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa.

- Phương pháp và chương trình máy tính xác định dị thường trọng lực từ số liệu đo cao vệ tinh là công cụ quan trọng để xác định dị thường trọng lực và nghiên cứu Biển Đông bằng số liệu đo cao vệ tinh.

- Báo cáo tổng kết đề tài và chương trình máy tính sẽ được ứng dụng trực tiếp cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tại bộ môn Trắc địa cao cấp và phòng thí nghiệm Trắc địa cao cấp để làm tài liệu tham khảo giảng dạy, nghiên cứu và thực hành.

- Các đơn vị khác có nhu cầu sử dụng sản phẩm của đề tài thì Trường Đại học Mỏ - Địa chất và nhóm nghiên cứu sẽ thống nhất phương án chuyển giao.

- Các trường đại học như: Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, Đại học Tài Nguyên và Môi Trường TP Hồ Chí Minh và các trường đại học khác có đào tạo về Trắc địa biển có thể sử dụng sử dụng sản phẩm của đề tài làm tài liệu tham khảo khi giảng dạy và nghiên cứu.

- Viện Hải Dương Học, Tổng cục Biển và Hải Đảo và các trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, các nhà khoa học và sinh viên có thể sử dụng phương pháp, chương trình phần mềm và kết quả thực nghiệm của đề tài để nghiên cứu về Biển Đông.

- Kết quả xác định dị thường trọng lực trên vùng biển xung quanh Quần đảo Trường Sa có thể được chuyển giao trực tiếp cho các đơn vị quân đội, các đoàn hải quân để phục vụ mục đích nghiên cứu và an ninh quốc phòng.

Phòng KHQT