Nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN cấp Bộ mã số B2015-02-24 do PGS.TS Hoàng Văn Long làm chủ nhiệm

06/07/2018

Được sự ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN cấp Bộ  "Nghiên cứu sự biến đổi nguồn gốc vật liệu trầm tích và sa khoáng đi kèm trên vùng biển ven bờ Huế - Đà Nẵng dựa trên các kết quả phân tích địa hóa khoáng vật nặng và định tuổi tuyệt đối"

Mã số: B2015-02-24 

Thời gian thực hiện: 2015-2017

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Hoàng Văn Long

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thời gian nghiệm thu: 14h00' ngày 09 tháng 7 năm 2018 (thứ Hai)

Địa điểm: Phòng họp Sông Công, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;

Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Mục tiêu của đề tài là xác định quy luật phân bố trầm tích và sa khoáng đi kèm trong khu vực nghiên cứu và Luận giải, dự báo nguồn gốc vật liệu trầm tích và sa khoáng có mặt trong vùng.

Tính mới và sáng tạo:  

Đề tài đã tập trung giải quyết vấn đề nguồn gốc quặng sa khoáng và trầm tích dựa trên các chỉ số đồng vị và định tuổi tuyệt đối có tính định lượng và độ tin cậy cao hơn. Giải quyết được cơ bản vấn đề nguồn gốc quặng sa khoáng vốn vẫn là vấn đề tranh luận trước đây.

Kết quả nghiên cứu:

- Xác định được 13 trường trầm tích tầng mặt có kích thước độ hạt thay đổi từ bùn sét sang cát sạn. Các trường trầm tích cát hạt thô phân bố ở độ sâu từ 0 – 10m nước trong khu các trường hạt mịn như bùn, sét phân bố ở vùng nước sâu (chủ yếu ở độ sâu >35m nước). Các trường cuội sạn màu nâu đỏ phân bố ở độ sâu ~20 – 30m nước là sản phẩm laterit tàn dư được hình thành khi thềm lục địa cổ xuất lộ do mực nước biển hạ thấp trong thời kỳ băng hà cuối cùng;

- Đã phân tích được số liệu hình thái kích thước độ hạt, thành phần mảnh vụn và số liệu định tuổi tuyệt đối U-Pb trên khoáng vật Zr cho thấy các tích tụ cát ven bờ là sản phầm phong hóa từ các nguồn địa phương nằm trong khu vực sườn Đông dãy Trường Sơn;

- Phân tích số liệu định tuổi tuyệt đối U-Pb trên Zr cùng vị trí phân bố, đặc điểm địa mạo cho thấy các sa khoáng kim loại màu như Au, Ag, Sn,… có nguồn gốc phong hóa từ các mạch quặng nhiệt dịch liên quan đến các khối xâm nhập trung tính – acid hình thành trong gian đoạn Mezozoi. Sa khoáng ilmenit (và một lượng ít hơn manhetit) là sa khoáng kim loại đen của Ti và Fe tuy chưa phát hiện được quặng gốc trên phần lục địa ở gần khu vực nghiên cứu song nhiều khả năng chúng được phong hóa từ các mạch quặng liên quan đến đá scacno hoặc granitoid giàu mangan nhưng hiện nay các mạch quặng gốc đã bị phong hóa và bóc mòn triệt để ở phần đất liền. Loại hình quặng gốc ilmenit nguồn gốc magma thực sự liên quan đến các thể xâm nhập siêu mafic hoặc mafic gần như không có mặt trong vùng.

Sản phẩm của đề tài:

- Bộ Bản đồ phân bố trầm tích tầng mặt và sa khoáng đi kèm vùng biển ven bờ Huế - Đà Nẵng;

- Mặt cắt địa chất/địa chấn minh giải thể hiện cấu trúc địa chất dưới sâu của vùng nghiên cứu;

- Mô hình cung cấp vật liệu trầm tích;

-  Công bố 04 bài báo đăng trong Tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI;

- Đào tạo được 01 Nghiên cứu sinh và 03 thạc sỹ.

Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:

- Những kết quả thu được có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng công tác tìm kiếm – thăm dò và đánh giá triển vọng sa khoáng trong vùng nghiên cứu; Góp phần hiệu quả cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng hợp lý không gian đới bờ.

- Kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ đặc điểm phân bố trầm tích, điều kiện môi trường thành tạo và nguồn gốc sa khoáng đi kèm có mặt trong vùng biển Thừa thiên Huế - Đà Nẵng.

- Đề tài đã thu hút được nhiều nhà khoa học và cán bộ trẻ tham gia. Đây là cơ hội tốt để tăng cường năng lực nghiên cứu, trình độ chuyên môn và đào tạo các cán bộ chuyên ngành địa chất biển.