Nghiệm thu cấp Bộ nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về KH&CN cấp Bộ mã số B2012-02-02SP do PGS.TS Lê Văn Hưng làm chủ nhiệm

27/08/2018

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ mã số B2012-02-02SP "Phát triển năng lực nghiên cứu đánh giá một số biến động môi trường điển hình phục vụ định hướng phát triển bền vững lưu vực Sông Hồng, phần lãnh thổ Việt Nam" do PGS.TS Lê Văn Hưng chủ nhiệm.

- Thời gian: 9h00' ngày 30 tháng 8 năm 2018 (Thứ Năm);
- Địa điểm: Phòng họpThuận Thành (309), trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;
Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự./.
 
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Với mục tiêu phát triển năng lực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong đánh giá một số biến động môi trường đề tài đã nghiên cứu được một số kết quả cụ thể gồm:

Xác lập cơ sở và các phương pháp đánh giá một số biến động môi trường tại ba vùng thuộc lưu vực sông Hồng;

- Thành lập cở sở dữ liệu, bản đồ số biến động môi trường, xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại phục vụ định hướng phát triển bền vững về môi trường ba vùng thuộc lưu vực sông Hồng;

- Xây dựng được nhóm cán bộ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu đã lột tả được những nội dung cần thiết, có sự biến động khác biệt theo thời gian, không gian.

Đối với vùng Lào Cai, biến động sạt lở (thường đi cùng với các loại lũ), bằng nhiều phuơng pháp hiện đại, nhóm tác giả không chỉ dừng lại ở xây dựng các bản đồ nhậy cảm khác nhau, còn nghiên cứu rất chi tiết với thời gian dài tại vị trí sạt lở đặc trưng, nhậy cảm nhất (điểm sạt lở tại cầu Móng Sén, trên đường Lào Cai - Sapa). Sự biến động thảm thực vật cũng rất nhậy cảm, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ góp phần gia tăng sạt lở đất đá và lũ các loại. 

- Đối với vùng Hà Nội, biến động đường bờ sông những năm gần đây không có chiều hướng gia tăng nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự gia tăng của biến đổi khí hậu cực đoan, nên vẫn phải có sự quan tâm đúng mức. Tầng chứa nước qh là tầng đầu tiên và có quan hệ với nước mặt nên rất dễ bị nhiễm bẩn do nước mưa, nước tưới, nước mặt từ trên mặt ngấm xuống. Vì vậy cần có biện pháp xử lý trước khi đưa vào khai thác sử dụng, đồng thời phải có các biện pháp bảo vệ nước dưới đất. 

- Đối với vùng Cửa Sông, tuy một số đoạn đã có đê ven biển, song hiện tượng biến đổi đường bờ cửa sông (đường bờ của sông gần cửa sông) luôn luôn xẩy ra. Trong tương lai nên đặc biệt chú ý đến sự bồi lắng làm cạn cửa sông. Đối với biến đổi đất sử dụng cũng có những quan ngại nhất định. Vì địa phưong chưa có quy hoạch khoa học, còn để dân tự phát trong thay đổi mục đích sử dụng đất nên đã và sẽ gây lãng phí, sai mục đích sử dụng đất.

Đối với mỗi loại biến động, báo cáo đã bước đầu đề cập đến nguyên nhân chính gây nên chúng, những nội dung quan tâm để giảm thiểu thiệt hại. Cho vùng Lào Cai, các tác giả đã đề xuất Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững cho tỉnh. WebGIS đã góp phần hỗ trợ tích cực cho công việc chia sẻ thông tin, cảnh báo kịp thời về 07 loại biến động đã nghiên cứu.

Sản phẩm của nhiệm vụ đã thực hiện:

- Đã xây dựng cơ sở dữ liệu biến động môi trường cho vùng nghiên cứu, đặc biệt dạng WebGIS để tiện ích cho tra cứu, chia sẻ, cập nhật các thông tin bản đồ tai biến sạt lở, các bản đồ phân vùng biến động đã nghiên cứu.

- Thành lập bảy bản đồ phân vùng biến động, khu vực thượng lưu - Lào Cai, gồm: sạt lở, thảm thực vật, nước mặt; Khu vực trung lưu - Hà Nội, gồm: đường bờ sông, nước ngầm cho một số vị trí trọng điểm; Khu vực cửa sông, gồm: bề mặt sử dụng đất và đường bờ vùng hai cửa sông Trà lý và Diêm Hộ, thuộc tỉnh Thái Bình.

-   Xây dựng được bốn mô hình đánh giá tác động môi trường: thống kê, hàm tương quan, 3 chiều (số độ cao), logic mờ, trí tuệ nhân tạo, cây quyết định,…

- Trang Web về các dữ liệu biến động hiện đại hơn so với dự kiến ban đầu.

- Giải pháp phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại tại ba vùng lưu vực sông: Thượng nguồn  - Lào Cai; trung lưu – Hà Nội và vùng cửa sông thuộc tỉnh Thái Bình.

- Công bố 03 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và SCI;

- Công bố 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành uy tín.

- 10 báo cáo khoa học tại các hội thảo trong nước và quốc tế.

- Đồng tổ chức 3 hội thảo khoa học quốc tế về Geoinformatics for Spatial-Infrastructure Development in Earth and Allied Sciences. (GIS-IDEAS) vào tháng 12 các năm 2012, 2014 và 2016.

- Sản phẩm đào tạo: đã đào tạo 02 ThS và góp phần đào tạo 01 NCS; 09 KS chuyên ngành Tin học Địa chất và 03 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học.

Phòng KHQT