Địa chỉ: Phòng 11.04 nhà C12, Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Điện thoại: 024.37521256

Email: colythuyet@humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập vào tháng 8 năm 1966, trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cùng với sự ra đời của Trường, bộ môn Cơ học và Sức bền vật liệu được thành lập vào tháng 9 năm 1966, trên cơ sở lấy một số cán bộ thuộc bộ môn Cơ lý thuyết và bộ môn Sức bền vật liệu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ban đầu, Bộ môn có 04 cán bộ giảng dạy, tổ trưởng Bộ môn do thầy Nguyễn Lân đảm nhiệm. Do yêu cầu chuyên môn hóa, tạo điều kiện cho các thầy có điều kiện giảng dạy tốt và đầu tư chuyên môn sâu, tháng 12 năm 1966, Nhà trường đã tách bộ môn Cơ học và Sức bền vật liệu ra làm hai bộ môn: Bộ môn Cơ lý thuyết và Bộ môn Sức bền vật liệu. Lúc này, tổ trưởng bộ môn Cơ lý thuyết là thầy Nguyễn Lân. Khi mới thành lập, bộ môn Cơ lý thuyết chỉ có 02 cán bộ giảng dạy.Để đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy, Bộ môn đã tăng cường đội ngũ giáo viên và rất quan tâm đến việc đưa cán bộ đi đào tạo chuyên môn và cũng tự mình nghiên cứu sâu thêm về chuyên môn.

2. Cơ cấu cán bộ viên chức trong đơn vị

Trong 50 năm qua, số lượng cán bộ giảng dạy của bộ môn thường dao động trong khoảng từ 7 đến 10 cán bộ.Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Bộ môn gồm các thầy cô có trình độ chuyên môn cao có kinh nghiệm và có uy tín trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.Hiện nay, bộ môn Cơ lý thuyết có 04 cán bộ giảng dạy, trong đó có 02 TS, 01 NCS và 01 thạc sĩ.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Bộ môn Cơ lý thuyết đảm nhiệm giảng dạy môn Cơ học lý thuyết, Cơ ứng dụng, Cơ học chất lỏng cho sinh viên hầu hết các khoa trong trường. Mặc dù số lượng cán bộ còn khiêm tốn nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ trong bộ môn, bộ môn luôn hoàn thành tốt mọi công việc do nhà trường giao cho. Ngoài công tác giảng dạy cho sinh viên, một số cán bộ trong bộ môn còn tham gia giảng dạy cao học, hướng dẫn cao học và NCS cho cơ sở đào tạo trong trường và ngoài trường. Trong lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học, các cán bộ trong bộ môn đã thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Các thầy cô đã có gần 100 bài báo đăng trong các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước và quốc tế như Nga, Tiệp Khắc, Đức, Rumani. Trong lĩnh vực nghiên cứu phục vụ sản xuất bộ môn cũng đã có những đề tài: Nghiên cứu khử rung cho guồng sợi Nhà máy Dệt 8-3. Nghiên cứu khử rung cho quạt gió công suất lớn của Nhà máy Z31. Nghiên cứu khử rung cho quạt hút gió ở Công ty Mỏ Khe Chàm. Bộ môn luôn quan tâm đến việc đào tạo phát triển của cán bộ trong bộ môn. Vì vậy trong 50 năm qua các cán bộ của bộ môn đều nhận được học vị tiến sĩ và thạc sĩ trong đó có 02 cán bộ được phong hàm phó giáo sư.Ngoài ra, một số cán bộ của bộ môn còn tham gia đào tạo cao học, tiến sĩ ở trong trường và các cơ sở đào tạo ngoài trường. Bộ môn đã biên soạn 06 giáo trình để phục vụ công tác giảng dạy các môn học: Cơ lý thuyết, Cơ ứng dụng, Cơ học chất lỏng cho sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Ngoài công tác giảng dạy, bộ môn luôn quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã chủ động nghiên cứu tìm đề tài và tìm hiểu hợp tác nghiên cứu với các khoa chuyên môn trong trường và các cơ sở nghiên cứu đào tạo ngoài trường. Hướng nghiên cứu chính của bộ môn hiện nay: Dao động đàn hồi của các cơ hệ có kể đến tính từ biến của vật liệu. Nghiên cứu dao động máy Giảm chấn cho các hệ cơ học. Nghiên cứu dao động của các hệ phi tuyến mạnh. Nghiên cứu dao động của các hệ cơ học có chứa đạo hàm cấp phân số. Nghiên cứu dao động, điều khiển động lực học Robot.

5. Khen thưởng

Tập thể Bộ môn đã nhiều lần được công nhận là tổ bộ môn xuất sắc cấp Bộ và cấp Trường. Bộ môn đã 02 lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.