1. Giới thiệu chung lịch sử phát triển
Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/CP cho phép thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 15 tháng 11 năm 1966, Trường Đại học Mỏ - Địa chất khai giảng khoá đầu tiên (khoa 11). Khi đó Khoa Trắc địa là một trong 3 khoa chuyên ngành của Trường (gồm Khoa Trắc địa; Khoa Địa chất và Khoa Mỏ), đến năm 2016 khoa Trắc địa được đổi tên thành Khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý Đất đai với 07 Bộ môn chuyên môn (Bản đồ; Địa chính; Đo ảnh - Viễn thám; Trắc địa Cao cấp; Trắc địa Công trình; Trắc địa Mỏ; Trắc địa phổ thông và sai số) và 01 tổ máy trắc địa. Như vậy, Khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý Đất đai đã được thành lập gần 60 năm, trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển Khoa đã đạt nhiều thành tựu trong giảng dạy, NCKH, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như mọi mặt hoạt động khác của Khoa.
Cam kết với triết lý giáo dục, sứ mạng, tầm nhìn của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý Đất đai đã và đang khẳng định trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh lực Đo đạc - Bản đồ; Quản lý Đất đai; Hệ thông tin địa lý, Quản lý tài nguyên - Môi trường và nhiều lĩnh vực khác thuộc nhóm ngành Khoa học Trái đất, đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
2. Cơ cấu cán bộ viên chức trong đơn vị
Khoa có một đội ngũ cán bộ, giảng viên là những nhà giáo nhà khoa học có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp giáo dục của Nhà trường, luôn cố gắng phấn đấu nâng cao tinh thần tự học và tự rèn luyện, luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của nhà giáo để vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các giảng viên trong khoa gồm nhiều thế hệ khác nhau, nhưng trên hết là một tập thể tràn đầy năng lực, tâm huyết, năng động và sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và NCKH; đặc biệt là đã chủ trì và tham gia nhiều chương trình đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp Cơ sở; Chủ trì thực hiện nhiều đề án nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất tại các cơ sở sản xuất trên khắp mọi miền của đất nước. Trên cơ sở thực tiễn các giảng viên trong khoa đã kết hợp một cách có chọn lọc các kinh nghiệm thực tiễn với lý thuyết vào các bài giảng để truyền đạt cho sinh viên, vì thể hầu hết sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp ra thực tế sản xuất đều có thể đảm nhiệm được các công việc tại các cơ quan Nhà nước, các Trường Đại học cao đẳng, các viện nghiên cứu cũng như các tổ chức, doanh nghiệp. Phương châm đào tạo của Khoa là luôn đào tạo để phục vụ những gì xã hội đang yêu cầu chứ không phải đào tạo những gì mình đang có.
Hiện nay, Khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý Đất đai có 07 Bộ môn, Văn phòng khoa và 01 tổ máy trắc địa với tổng số 68 viên chức, trong đó: 58 giảng viên cơ hữu (12 PGS.TS chiếm 20,68%, 25 TS, 21 thạc sĩ), 03 trợ giảng, 01 cán bộ hành chính văn phòng Khoa, 06 cán bộ hành chính hỗ trợ đào tạo. Gồm các chuyên môn được đào tạo: Trắc địa - Bản đồ; Bản đồ Viễn thám và Hệ thông tin Địa lý; Khoa học trái đất, vũ trụ và môi trường; Khoa học về thông tin và truyền thông, xử lý thông tin và xử lý ảnh; Địa lý và Khoa học Trái đất; Địa tin học; Viễn thám và phân tích không gian; Quy hoạch Đô thị và các chuyên ngành thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,…
3. Các chương trình đào tạo
* Đào tạo đại học
- Ngành Kỹ thuật trắc địa - Bản đồ: gồm các chuyên ngành: Bản đồ; Địa chính; Trắc địa ảnh, viễn thám và hệ thông tin địa lý; Trắc địa; Trắc địa mỏ và công trình; Trắc địa - Bản đồ.
- Ngành Quản lý đất đai: chuyên ngành Quản lý đất đai
- Ngành Địa tin học: chuyên ngành Địa tin học
- Ngành Quản lý phát triển đô thị và Bất động sản: chuyên ngành Quản lý phát triển đô thị và Bất động sản
- Ngành Kỹ thuật Không gian (mở mới năm 2025)
*Đào tạo sau đại học
- Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành: Kỹ thuật trắc địa - bản đồ; Bản đồ Viễn thám và Hệ thông tin Địa lý, Quản lý Đất đai
- Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành: Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ; Bản đồ Viễn thám và Hệ thông tin địa lý
4. Hoạt động chính và các kết quả đạt được
4.1. Công tác đào tạo
Khoa Trắc địa – Bản đồ và Quản lý đất đai là cơ sở đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành Trắc địa – Bản đồ. Khoa đã và đang có cơ cấu các chuyên ngành đào tạo tương đối hoàn chỉnh và cơ sở vật chất phù hợp, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các Bộ môn trong Khoa được giao nhiệm vụ đạo tạo ở bậc đại học (kỹ sư) và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), cho đến năm 2015 Khoa đào tạo hệ kỹ sư với 5 chuyên ngành truyền thống đó là: Trắc địa, Trắc địa ảnh – viễn thám và hệ thông tin địa lý, Trắc địa mỏ - công trình, Bản đồ và Địa chính. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo khoa đã mở thêm 03 ngành đào tạo trình độ đại học: Quản lý đất đai (năm học 2015-2016), Địa tin học (năm học 2019-2020), Quản lý phát triển đô thị và Bất động sản (năm học 2021-2022) và 01 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: Bản đồ viễn thám và hệ thông tin địa lý (năm học 2021-2022).
Sau gần 60 năm đào tạo, Khoa đã đào tạo cho đất nước trên 10.000 kỹ sư và trên 1.000 kỹ sư thực hành (hệ cao đẳng). Các kỹ sư tốt nghiệp của Khoa đã và đang có mặt ở hầu hết các địa bàn trong cả nước, ở các cơ quan có sử dụng công nghệ đo đạc – bản đồ của các ngành kinh tế quốc dân cũng như trong các lực lượng vũ trang. Các thế hệ sinh viên đã phát huy tốt các kiến thức thu nhận được trong quá trình đào tạo ở trường và đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước nói chung và của ngành nói riêng.
Khoa Trắc địa đã được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học từ năm 1983, đã đào tạo nghiên cứu sinh từ năm 1984. Hệ cao học chuyên ngành kỹ thuật trắc địa bắt đầu được đào tạo từ năm 1992 và chuyên ngành Bản đồ - Viễn thám – GIS bắt đầu được đào tạo từ năm 2008. Tính đến nay, đã có 80 nghiên cứu sinh và hơn 1000 học viên cao học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và luận văn thạc sỹ.
4.2. Đề tài công trình NCKH và dự án
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều dự án và hợp đồng khoa học công nghệ đã được Khoa Trắc địa – Bản đồ và Quản lý đất đai tổ chức và triển khai. Trong đó có: 70 đề tài nghiên cứu cơ bản và khoa học công nghệ cấp Nhà nước và Nghị định thư, 103 đề tài cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp cơ sở và hợp đồng nghiên cứu khoa học.
Trong 5 năm gần đây, các nhà khoa học của Khoa đã triển khai chủ trì và tham gia 03 đề tài cấp nhà nước (trong đó đã hoàn thành 01 đề tài và đang triển khai 02 đề tài), 03 đề tài Nghị định thư, 25 đề tài cấp Bộ và tương đương, 37 đề tài cấp cơ sở và nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của Khoa cũng chú trọng đến công bố các kết quả KHCN: 360 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế (trong đó có 60 bài báo trong tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, 78 bài báo trong tạp chí Scopus). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trong Khoa cũng tham gia báo cáo tại các Hội nghị Khoa học với số lượng báo cáo 191 bài (trong nước 136 bài, quốc tế 55 bài). Các báo cáo học thuật tại bộ môn cũng được triển khai thường niên vào 2 kỳ học của năm học, giúp cho các giảng viên chia sẻ thông tin nghiên cứu mới đến đồng nghiệp, với 383 số báo cáo học thuật tại bộ môn. Việc chủ trì (tham gia) đề tài NCKH các cấp, đăng công bố trên tạp chí trong nước, tham dự và báo cáo tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước, báo cáo học thuật tại bộ môn là đã tạo cơ hội, môi trường để các nhà khoa học trong khoa công bố kết quả nghiên cứu của mình, và thông qua đó trao đổi thông tin, nâng cao năng lực và kỹ năng nghiên cứu, phục vụ tốt công tác giảng dạy và đóng góp cho cộng đồng.
4.3. Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo
Khoa phát triển hợp tác với các cơ quan đơn vị như:
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu; Tập Đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Công nghệ thông tin; Viên Khoa học đo đạc và Bản đồ; Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; NXB Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội,
Khoa đã có quan hệ truyền thống với các Trường cùng ngành, tập đoàn ở một số nước như:
Trường Đại học Trắc địa và Bản đồ Matsxcơva(MIIGAiK, LB Nga); Trường Đại học Bách Khoa Vácsava (CH Ba Lan); Học viện Mỏ - Luyện kim Cracôv (CH Ba Lan); Học viện Mỏ và Công nghệ Từ Châu (Trung Quốc); Đại học Vũ Hán (Trung Quốc); Cao đẳng Bách Khoa Viêng Chăn (CHDCND Lào); Đại học ChengKung (Đài Loan); Đại học Southampton (Vương Quốc Anh); Đại học Osaka City (Nhật Bản); Tập Đoàn máy Trắc địa Nam Phương(South), hãng máy Leica
Các cán bộ của Khoa đã thực hiện đề tài hợp tác quốc tế, tham gia các Tổ chức Hội chuyên ngành, tham gia các Hội nghị khoa học quốc tế và gửi bài đăng trên các tạp chí khoa học ở nước ngoài.
4.4. Tài liệu, Sách, Giáo trình và Bài giảng
Khoa và các bộ môn trong Khoa đã xuất bản hàng trăm giáo trình, bài giảng, sách chuyên khảo, tài liệu… về các lĩnh vực: Trắc địa – Bản đồ, Trắc địa cao cấp, Trắc địa công trình, Trắc địa mỏ, Địa chính, Quản lý Đất đai, Đo ảnh, Viễn thám, Hệ thông tin Địa lý, Quản lý Phát triển Đô thị, Bất động Sản, Địa tin học… để phục vụ đào tạo các ngành ở các bậc Đại học, Sau Đại học của Khoa, của Nhà trường.
Trong 5 năm vừa rồi, các cán bộ giảng viên của Khoa đã xuất bản 7 giáo trình cấp NXB, 12 sách chuyên khảo, 01 sách tham khảo, 06 sách hướng dẫn và hoàn chỉnh các bài giảng phục vụ giảng dạy, cung cấp đủ học liệu cho người học.
4.5. Công tác đoàn thể
Các Chi bộ Đảng trong Khoa luôn thể hiện là Chi bộ cơ sở vững mạnh, chỉ đạo sát sao các công tác chuyên môn, NCKH và PVSX, động viên quần chúng nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua của đoàn thể, tham gia các đợt thi tìm hiểu về các tổ chức đoàn thể và tổ chức Đảng. Chi bộ Đảng luôn giúp đỡ và bồi dưỡng quần chúng tìm hiểu về Đảng, thực hiện tốt công tác phát triển Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban chủ nhiệm khoa, Công đoàn khoa Trắc địa – Bản đồ và Quản lý đất đai luôn làm tốt công tác hiếu hỉ, kịp thời thăm hỏi, động viên các công đoàn viên trong khoa, thực hiện xét trợ cấp khó khăn cho các công đoàn viên trong khoa theo đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, Công đoàn khoa còn tích cực hưởng ứng các hoạt động do Công đoàn cấp trên phát động.
Công đoàn khoa đã phối hợp nhịp nhàng với Ban chủ nhiệm khoa để thực hiện mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó, triển khai các hoạt động phong trào một cách tích cực, nhiệt tình, thông qua đó xây dựng được tinh thân đoàn kết, tương trợ trong khoa, trong trường. Tổ Công đoàn luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên, tạo điều kiện cho từng cá nhân ổn định trong cuộc sống, yên tâm công tác, đạt chất lượng và có hiệu quả tốt nhất.
4.6. Công tác và hoạt động sinh viên
Công tác quản lý sinh viên tiếp tục được duy trì và từng bước cải tiến. Cán bộ quản sinh và các cố vấn học tập thường xuyên có trao đổi trực tiếp với sinh viên để quản lý, phổ biến và triển khai công văn tới các lớp, hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động liên quan đến đào tạo và công tác sinh viên. Công tác khen thưởng và kỷ luật được triển khai đến từng lớp do Khoa quản lý.
- Công tác tư vấn tuyển sinh
Công tác tư vấn tuyển sinh đã được Khoa quan tâm và triển khai đầy đủ theo kế hoạch chung của nhà trường cũng như kế hoạch riêng của khoa.
- Công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm sinh viên
Hoạt động hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho các em sinh viên trong khoa đã được triển khai trong các buổi hội thảo, trao đổi về ngành nghề và cơ hội việc làm đặc biệt là sinh viên năm cuối từ đó tạo cho các em thêm hiểu và yêu nghề.
- Công tác nghiên cứu khoa học và thi Olympic của sinh viên
Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được quan tâm và đầu tư đúng mức đã tạo được phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học sâu rộng trong Khoa. Các giảng viên và sinh viên đã chủ động hơn trong việc tìm và thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên của Khoa luôn được chú trọng và thu hút sự quan tâm, tham gia của sinh viên
5. Mục tiêu và Định hướng phát triển
5.1. Công tác đào tạo
- Quy mô đào tạo giữ nguyên quy mô để quan tâm tăng chất lượng đào tạo. Mở rộng hợp tác đào tạo với các trường trong và ngoài nước, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Giữ quy mô đào tạo hợp lý, chú trọng tới chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học và phát triển con người toàn diện.
- Nâng cao chất lượng đào tạo các hệ: đại học, cao học và tiến sĩ đạt chuẩn theo quy định và đáp ứng nhu cầu xã hội. Người được đào tạo phải có nhận thức chính trị vững vàng, đủ sức khoẻ, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt, có năng lực làm việc và sáng tạo.
- Đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, ngoài các chuyên ngành hiện có sẽ chú trọng các hướng mới sau:
+ Thông tin địa lý (GIS), viễn thám (RS) và công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu GPS.
+ Công nghệ đo đạc, điều tra khảo sát biển và hải đảo
+ Kỹ thuật môi trường
+ Công nghệ địa chính và quản lý thông tin bất động sản (tiến tới tách khoa Địa chính)
+ Quy hoạch không gian.
+ Quản lý đất đai
- Phấn đấu đa dạng hoá các chuyên ngành của lĩnh vực địa chính, tạo điều kiện thành lập khoa Địa chính. Phát triển một số chuyên ngành như: Đo đạc địa chính, Quản lý đất đai, Thông tin bất động sản, Kỹ thuật môi trường, Quy hoạch không gian .vv…
- Tiếp tục phát triển công tác đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập khu vực và quốc tế trong công tác đào tạo, NCKH.
5.2. Công tác cán bộ
- Xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với định hướng phát triển chuyên môn, có chất lượng cao, yêu nghề. Thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức về lòng say mê và sáng tạo đối với người học. Khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ được đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
- Quan tâm phát triển con người toàn diện, có đầy đủ trình độ và năng lực để hội nhập quốc tế. (cụ thể là tham gia các Hội nghị Khoa học Quốc tế , Các tổ chức khoa học Quốc tế vv..)
- Đối với cán bộ giảng dạy, sau 3 năm công tác phải có bằng thạc sĩ, sau 5 năm phải đạt tối thiểu ngoại ngữ tiếng anh có trình độ tương đương IELTS 5,5 điểm hoặc TOEFL 500 điểm. Đến năm 2020, tối thiểu 50% cán bộ giảng dạy có học vị tiến sĩ trở lên.
5.3. Đề tài công trình NCKH và dự án
- Thiết lập, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đào tạo và NCKH với các trường trong và ngoài nước.
- Tăng cường trao đổi thông tin khoa học với các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Xây dựng Website riêng của khoa với 2 ngôn ngữ (Việt và Anh).
- Hoàn chỉnh hệ thống các phòng thí nghiệm đạt chuẩn hiện đại, phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo các bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và cao đẳng.
- Thực hiện và tham gia thực hiện các đề tài cấp nhà nước về các lĩnh vực: trắc địa bản đồ, nghiên cứu không gian vũ trụ; khảo sát điều tra tài nguyên môi trường biển; quy hoạch và phát triển vùng lãnh thổ vv...
5.4. Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo
Khoa phát triển hợp tác với các cơ quan đơn vị như:
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu; Tập Đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Công nghệ thông tin; Viên Khoa học đo đạc và Bản đồ; Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; NXB Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội,
Khoa đã có quan hệ truyền thống với các Trường cùng ngành ở một số nước như:
Trường Đại học Trắc địa và Bản đồ Matsxcơva(MIIGAiK, LB Nga); Trường Đại học Bách Khoa Vácsava (CH Ba Lan); Học viện Mỏ - Luyện kim Cracôv (CH Ba Lan); Học viện Mỏ và Công nghệ Từ Châu (Trung Quốc); Đại học Vũ Hán (Trung Quốc); Cao đẳng Bách Khoa Viêng Chăn (CHDCND Lào); Đại học ChengKung (Đài Loan); Đại học Southampton (Vương Quốc Anh); Đại học Osaka City (Nhật Bản); Tập Đoàn máy Trắc địa Nam Phương(South), hãng máy Leica
5.5. Tài liệu, Sách, Giáo trình và Bài giảng
- Xây dựng đề cương chi tiết cho tất cả các môn học cũ và mới trên tinh thần đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
- Cơ bản hoàn thành biên soạn bài giảng, giáo trình cho các môn học. Tăng cường biên soạn các tài liệu tham khảo.
- Hoàn chỉnh các giáo trình cho tất cả các môn học, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ thế giới.
5.5. Xây dựng cơ sở vật chất
- Củng cố xây dựng phòng máy Trắc địa theo hướng hiện đại với các thiết bị đo đạc phù hợp với công nghệ ở thực tế sản xuất (điện tử là chủ yếu). Hoàn chỉnh các bãi thực tập, nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên.
- Xây dựng trung tâm xử lý số liệu hiện đại, kết nối mạng, nhằm nâng cao chất lượng dạy tin học chuyên ngành và nhu cầu truy cập Internet.
- Tăng cường bổ sung các thiết bị thí nghiệm chuyên dụng cho PTN của các bộ môn, nhằm nâng cao năng lực NCKH và giảng dạy của cán bộ.
- Bảo đảm diện tích làm việc của cán bộ, điều kiện học tập, thí nghiệm của sinh viên đầy đủ theo chuẩn tiên tiến.
6. Khen thưởng
Với những thành tích đã đạt được, tập thể Khoa, các đơn vị và cán bộ viên chức của Khoa đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường,...như: 01 Huân chương Lao động hạng III, 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 25 Bằng khen của Bộ trưởng, các tập thể Bộ môn, Khoa đạt 15 lượt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc được Nhà trường khen thưởng. Các cán bộ viên chức của Khoa đã được công nhận với 152 lượt danh hiệu Lao động tiên tiến, 72 lượt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 6 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Những thành tựu mà tập thể và cán bộ Khoa đã đạt được trong 5 năm qua không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự cống hiến không ngừng nghỉ, mà còn khẳng định sự ghi nhận xứng đáng từ Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành đối với những đóng góp quan trọng của Khoa vào sự nghiệp giáo dục và phát triển chung của đất nước.
6.1. Tập thể
Với các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Khoa Trắc địa – Bản đồ và Quản lý đất đai đã được tặng 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 01 Băng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều Giấy khen các cấp. 01 Bộ môn trong Khoa đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động Hạng 3 vào năm 2004.
6.2. Cá nhân
+ 02 cá nhân được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
+ 08 cá nhận được nhận Huân chương chương lao động Hạng 3
+ 01 Bộ môn nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
+ 13 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ