1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển
Bộ môn Kỹ thuật môi trường được thành lập theo Quyết định số 302/QĐ-MĐC ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Tổng số cán bộ của Bộ môn khi mới thành lập là 03 người, trong đó có 01 Tiến sĩ (TS), 01 Thạc sĩ (ThS) và 01 Cử nhân (CN). Qua quá trình phát triển, đến nay Bộ môn đã có tổng số 10 cán bộ, trong đó có 09 cán bộ giảng dạy (1PGS.TS, 4TS, 1NCS và 4ThS) và 01 trợ giảng (ThS). 100% giảng viên có trình độ sau đại học, chuyên môn sâu về Kỹ thuật môi trường. Nhiều giảng viên tốt nghiệp sau đại học ở nước ngoài Cộng hoà Liên Bang Đức, Liên bang Nga.
2. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ và sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Môi trường. Trong công tác đào tạo thời gian qua, Nhà trường đã giao chỉ tiêu đào tạo với số lượng sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngày một tăng. Điều đó đã cho thấy chương trình đào tạo của ngành do Bộ môn quản lý đã đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua các công tác biên soạn xuất bản sách, giáo trình các cấp, các bài báo trong nước và quốc tế, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp của cán bộ và sinh viên trong Bộ môn.
Công tác giảng dạy: Thống kê về thành tích đào tạo của các giảng viên, cán bộ của bộ môn trong vòng 5 năm gần nhất:
- Hướng dẫn Tiến sỹ: 2 tiến sỹ đã bảo vệ, 2 NCS đang thực hiện
- Hướng dẫn Thạc sỹ: 30 thạc sỹ đã bảo vệ và 10 học viên đang thực hiện.
- Hướng dẫn Kỹ sư: Khoảng 700 Kỹ sư (650 đã bảo vệ)
Công tác biên soạn bài giảng, giáo trình: Tổng số tài liệu Bộ môn đã in cấp Nhà xuất bản (NXB) trong nước 08, nước ngoài 01 cuốn sách và cấp Trường là 07 giáo trình. Ngoài ra còn một số giáo trình, bài giảng đã hoàn thành bản thảo và đang trong quá trình chỉnh sửa để in cấp Trường.
Công tác thực hiện các đề tài-nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp: Bộ môn đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ và tương đương và các đề tài cấp cơ sở, các hợp đồng nghiên cứu khoa học triển khai công nghệ. Trong đó 01 nhiệm vụ cấp Nhà nước về hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với CH Liên Bang Đức, 01 dự án quốc tế với Hoa Kỳ, 03 đề tài cấp bộ, 05 dự án cấp tỉnh, 10 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu đạt kết quả loại khá trở lên. Hiện nay, Bộ môn đang thực hiện 01 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 02 đề tài cấp bộ và nhiều dự án.
Song song với việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu phục vụ sản xuất, các cán bộ, giảng viên trong Bộ môn đã xuất bản nhiều bài báo trong các tạp chí và sách quốc tế.
- Số bài đăng trên Tạp chí Quốc Tế: 23 (08 SCOPUS/ISI)
- Số bài đăng trên tạp chí trong nước: 50
- Số báo cáo tham gia hội thảo khoa học Quốc tế: 10
- Số báo cáo tham gia hội thảo khoa học trong nước: 30
- Hướng dẫn nghiên cứu khoa học sinh viên: 8 nhóm/năm (trung bình).
Một số thành tích điển hình: Bằng độc quyền sáng chế: Quy trình xử lý nước thải chứa hàm lượng kim loại nặng và sulfat cao bằng cách sử dụng đá vôi mùn cưa đã thuỷ phân và thực vật thuỷ sinh. Số: 17174, Quyết định số: 44563/QĐ-SHTT ngày 04.07.2017. Hướng dẫn 01 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học ngành Kỹ thuật môi trường đạt giải vàng Quốc gia về cuộc thi nước và cuộc sống năm 2017: "Nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp nano Fe2O3.TiO2 phủ trên đá ong, ứng dụng cho xử lý Asen trong nước ngầm". 01 nhóm sinh viên đạt giải 3 Quốc tế Falling Walls Lab tổ chức tại Việt Nam năm 2019. Hướng dẫn 01 nhóm học sinh đạt Giải nhất Quốc gia, tham dự kỳ thi Intel ISEF tại Hoa Kỳ: "Phương pháp mới xử lý nước thải axit mỏ bằng việc kết hợp đá vôi mùn cưa vi sinh".
3. Những mục tiêu và định hướng phát triển
Mục tiêu:
-
Về lực lượng cán bộ của Bộ môn phải đảm bảo chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học phù hợp với tình hình mới. Các cán bộ giảng dạy của Bộ môn phải đạt chuẩn về phẩm chất chính trị và kiến thức chuyên môn. Luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn của cán bộ thông qua các khóa học ngắn hạn (nâng cao chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, quản lý), dài hạn (nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ). Trong giai đoạn tới, Bộ môn cần được bổ sung số lượng cán bộ giảng dạy phù hợp với khối lượng giảng dạy.
-
Xây dựng Phòng thí nghiệm của Bộ môn nhằm phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
-
Tích cực, chủ động đề xuất các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển trên trường quốc tế và khu vực ASEAN. Duy trì và phát huy những kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên trong những năm qua. Chú trọng nâng cao số lượng các bài báo xuất bản trên các tạp chí/sách quốc tế bằng tiếng Anh, đặc biệt triển khai ứng dụng công nghệ mới vào thị trường
Định hướng phát triển
- Tiếp tục phát triển theo các định hướng NCKH và đào tạo của bộ môn;
- Phát triển hướng Vật liệu mới trong môi trường và năng lượng sạch. Mở rộng các hướng chuyên sâu về công nghệ xử lý môi trường, sản xuất năng lượng sạch;
- Tiếp tục triển khai tổ chức đào tạo Kỹ sư, Thạc sỹ và Tiến sỹ ngành Kỹ thuật Môi trường;
- Tham gia đào tạo các ngành bậc đại học, sau đại học khác trong Khoa;
- Tiếp tục đề xuất các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp và các đề tài phục vụ sản xuất;
- Tích cực chủ động hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước;
- Triển khai tốt việc biên soạn bài giảng, giảng dạy theo hệ thống tín chỉ. Xuất bản các giáo trình, bài giảng có liên quan đến chương trình đào tạo do Bộ môn quản lý;
- Phối hợp với các đơn vị trong Khoa và Trường xúc tiến đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và đầu tư tăng cường các phòng thí nghiệm thuộc trung tâm thí nghiệm Kỹ thuật môi trường của Khoa;
4. Khen thưởng của tập thể và cá nhân đơn vị trong đơn vị
Trong những năm gần đây, Bộ môn nhiều năm liền đạt thành tích Tập thể lao động xuất sắc và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục. Nhiều thầy cô trong Bộ môn đã đạt thành tích xuất sắc đã được nhận khen thưởng các cấp.
- PGS.TS. Phan Quang Văn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và chiến sỹ thi đua cấp Bộ.
- TS. Nguyễn Hoàng Nam nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, đạt 02 danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ và nhận 01 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- TS. Đào Đình Thuần, TS. Nguyễn Thị Hoà, TS. Nguyễn Phương Đông nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- ThS. Đào Trung Thành nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- ThS. Nguyễn Thị Hồng nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, nhận giấy khen của Hiệu trưởng và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- NCS. Đặng Thị Ngọc Thủy, ThS. Trần Thị Ngọc, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến.