Văn phòng: Phòng F208, Tầng 2, Nhà F, khu A, Trường ĐH Mỏ-Địa chất

Địa chỉ: Số 18, phố Viên, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 043 7525303

Email: kythuatxaydung@humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển của Bộ môn Kỹ thuật xây dựng

Bộ môn Kỹ thuật xây dựng được thành lập theo quyết định số 845/QĐ-MĐC ngày 26 tháng 12 năm 2010 của Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ-Địa chất với chức năng trực tiếp quản lý và đào tạo các hệ, các bậc học trong trường, tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành, thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, bồi dưỡng cán bộ và trực tiếp quản lý sinh viên chuyên ngành đào tạo.

Khi mới thành lập Bộ môn năm 2010, Bộ môn có tổng số 08 cán bộ (GS.TS. Nguyễn Quang Phích, PGS.TS. Nguyễn Xuân Mãn (khi đó đang là Viện Trưởng Viện Cơ học và Tin học ứng dụng TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), TS. Nguyễn Văn Quyển, ThS. Nguyễn Văn Mạnh, KS. Lê Tuấn Anh, ThS. Phạm Thị Nhàn, ThS. Bùi Văn Đức, ThS. Phạm Ngọc Anh) do PGS.TS. Nguyễn Xuân Mãn làm Trưởng Bộ môn, TS. Nguyễn Văn Quyển là Phó Trưởng Bộ môn.

Ngày 29 tháng 2 năm 2012, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất ký Quyết định số 160/QĐ-MĐC về việc mở chuyên ngành đào tạo “Xây dựng dân dụng và công nghiệp” và giao cho Bộ môn Kỹ thuật xây dựng, Khoa Xây dựng trực tiếp quản lý chuyên ngành đào tạo này. Năm học 2012-2013, Nhà trường bắt đầu tuyển sinh khóa sinh viên chính quy đầu tiên (Khóa 57) theo học chuyên ngành “Xây dựng dân dụng và công nghiệp”.

Để đáp ứng yêu cầu về đào tạo chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, trong khoảng thời gian từ 2011 - 2013, Bộ môn đã tuyển thêm 05 giảng viên (ThS. Tăng Văn Lâm, ThS. Đinh Hải Nam, ThS. Lê Huy Việt, ThS. Ngô Xuân Hùng, ThS. Đặng Văn Phi) tốt nghiệp tại các Trường ĐH hàng đầu Việt Nam về chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp như ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, và TS. Đặng Hoàng Thông tốt nghiệp Tiến sĩ tại Pháp, nâng tổng số giảng viên của Bộ môn đến năm 2014 là 14 người.

Ngày 25 tháng 3 năm 2021, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất ký quyết định số 208/QĐ-MĐC về việc cho phép đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng trình độ Thạc sĩ, trong đó có hướng chuyên sâu về Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Hiện nay (2/2024) tổng số cán bộ của Bộ môn là 09 Thầy/Cô, trong đó gồm PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, PGS.TS. Bùi Văn Đức, TS. Phạm Thị Nhàn, TS. Tăng Văn Lâm, TS. Lê Huy Việt, TS. Ngô Xuân Hùng, TS. Đặng Văn Phi, TS. Đinh Hải Nam và NCS. Phạm Ngọc Anh (NCS ở Đức).

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

- Công tác đào tạo: Bộ môn phụ trách đào tạo các hệ Liên thông Cao đẳng lên Đại học, Đại học văn bằng 1, Đại học văn bằng thứ 2, Thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp.

Các hình thức đào tạo gồm: hệ chính quy, hệ vừa làm vừa học.

Trong hơn 10 năm thành lập, Bộ môn đã đào tạo được hơn 500 Kỹ sư, 10 Thạc sỹ, trong đó có các em sinh viên nước ngoài đến từ Lào và Mông Cổ.

- Công tác nghiên cứu khoa học: trong thời gian qua, các giảng viên của Bộ môn Kỹ thuật xây dựng đã và đang chủ trì triển khai thực hiện nhiều đề tài NCKH và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất như:

+ 01 đề tài NCKH cấp Nhà nước

+ 05 đề tài NCKH cấp Bộ

+ 01 đề tài NCKH cấp Tập đoàn

+ 08 đề tài NCKH cấp Cơ sở

+ 05 đề tài NCKH phục vụ sản xuất

+ Công bố trên 100 bài báo trên các tạp chí Quốc tế và Hội nghị Quốc tế

- Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo: Bộ môn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các công ty, doanh nghiệp, ... trong và ngoài nước như: Trường Đại học Tổng hợp Ruhr-Bochum (CHLB Đức), Trường Đại học Tổng hợp Freiberg (CHLB Đức), Trường Đại học Lile (Pháp) , Trường Đại học Lyon (Pháp), Trường Đại học xây dựng Mátxcơva (Nga), Trường Đại học Sejong (Hàn Quốc), Trường Đại học Công nghệ Suranaree (Thái Lan), Trường Đại học Tổng hợp Mỏ (Nga), Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Giao thông - vận tải, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (IBST), Viện Cơ học, Viện KHCN Mỏ,...v.v. Bộ môn đã tiếp nhận một số sinh viên Pháp sang thực tập trong thời gian 2 tháng.

- Công tác sinh viên: Bộ môn hết sức quan tâm đến công tác chăm lo cho các em sinh viên. Bộ môn tổ chức nhiều hình thức hoạt động giúp các em sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như có thêm thu nhập để phục vụ quá trình học tập. Sinh viên của bộ môn đã đạt được nhiều giải thưởng NCKH sinh viên như: giải nhì và khuyến khích Giải thưởng Loa thành cho Đồ án tốt nghiệp xuất sắc cho sinh viên ngành Xây dựng - Kiến trúc toàn quốc; Giải khuyến khích sinh viên NCKH Euréka; Giải ba vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023,…v.v.

4. Mục tiêu và Định hướng phát triển
- Công tác cán bộ: đến năm 2024 đạt 100% cán bộ giảng dạy của Bộ môn có trình độ từ Tiến sĩ trở lên được đào tạo ở nước ngoài. Trong 5 năm tới, phấn đấu mỗi năm có 01 giảng viên của Bộ môn được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư.

- Công tác đào tạo: tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo Đại học, Thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp; đổi mới phương pháp dạy và học đáp ứng nhu cầu đào tạo của các đối tượng học khác nhau, phù hợp với định hướng phát triển chung của Nhà trường, của khoa Xây dựng; Chuẩn bị nhân sự và cơ sở vật chất để xin mở ngành đào tạo Kỹ thuật xây dựng trình độ Tiến sĩ; Phấn đấu xuất bản 01 Giáo trình, Bài giảng cấp Nhà xuất bản/năm.

- Công tác NCKH và hợp tác quốc tế: Xây dựng các chương trình KHCN cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp cơ sở, xây dựng chương trình hợp tác KHCN với các nước đã có quan hệ truyền thống, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực; xây dựng chương trình hợp tác về đào tạo, KHCN với các cơ quan đơn vị trong nước.

- Công tác sinh viên: tổ chức nhiều hình thức hoạt động cho các em sinh viên để nâng cao kiến thức chuyên môn như: tổ chức các lớp học miễn phí về các phần mềm chuyên ngành (Auto CAD, SAP2000, ETABS, Dự toán, …); tăng cường công tác tổ chức thăm quan các công trình thực tế cho sinh viên; tổ chức cho các em sinh viên tham gia trực tiếp các dự án thực tế cùng Thầy/Cô để củng cố kiến thức và có thêm thu nhập phục vụ quá trình học tập. Duy trì và tiếp tục công tác NCKH sinh viên hàng năm.

5. Khen thưởng
- Tập thể: Bộ môn đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và tiên tiến hàng năm
- Cá nhân: 08 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.