Văn phòng: Phòng 505, Nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Địa chỉ: Số 18, phố Viên, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 043 7525302

Email: xdctngamvamo@humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Cách đây 50 năm, tháng 11 năm 1966 cùng với sự ra đời của tr­ường Đại học Mỏ - Địa chất năm 1966, Bộ môn Xây dựng Mỏ đã đư­ợc thành lập từ một nhóm cán bộ của Bộ môn Khai thác mỏ thuộc Khoa Mỏ-Địa chất, Trư­ờng Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhiệm vụ của Bộ môn trong những năm đầu tiên là đào tạo kỹ sư chuyên ngành “Xây dựng Mỏ”. Khóa sinh viên đầu tiên của ngành “Xây dựng Mỏ” (Khóa 10) được khai giảng tại khu sơ tán H4, bản Nằm, huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn vào tháng 12 năm 1965. Sau đó khóa 10 của ngành được chuyển về làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) bắt đầu vào năm học thứ hai (1966-1967).

Ngày mới thành lập, Bộ môn Xây dựng Mỏ có 5 cán bộ giảng dạy: thày Cao San, thày Lê Khắc Thanh, thày Nguyễn Văn Đước, thày Đỗ Thụy Đằng, thày Hà Hiển. Trưởng Bộ môn khi đó là thày Cao San (đến năm 1971), Phó Trưởng Bộ môn là thày Phí Văn Lịch (1969-1975). Sau khi thày Cao San chuyển công tác sang cơ quan khác, vào năm 1971 Nhà trường đã bổ nhiệm thày Lê Khắc Thanh làm Trưởng Bộ môn thứ hai, các thày Phí Văn Lịch (1969-1975), thày Đặng Văn Quân (1975-1977), thày Nguyễn Văn Đước (1976-1981) làm Phó Trưởng Bộ môn. Đầu năm 1974, toàn bộ cơ sở của trường được chuyển từ Thuận Thành - Hà Bắc lên Phổ Yên - Bắc Thái mở đầu một thời kỳ mới xây dựng và phát triển của trường.

Sau khi thày Lê Khắc Thanh được Nhà nước bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất, năm 1979 Nhà trường đã bổ nhiệm thày Phí Văn Lịch (1981-1984) làm Trưởng Bộ môn, thày Nguyễn Công Trịnh (1983-1985), và thày Nguyễn Văn Đước (1979-1984) làm Phó Trưởng Bộ môn.

Vào những năm cuối của giai đoạn 10 năm (1974-1984) ở Phổ Yên - Bắc Thái, Nhà Trường được Nhà nước cho phép xây dựng chính thức Trường Đại học Mỏ-Địa chất tại ven nội thành Thành phố Hà Nội tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Và đến năm học 1982-1983 lớp sinh viên đầu tiên của ngành “Xây dựng Mỏ” (khoá 27) được học tập ở khu trường mới.

Năm 1985 Nhà trường đã bổ nhiệm thày Nguyễn Văn Đước (1985-1994) làm Trưởng Bộ môn, thày Nguyễn Quang Phích (1985-1994), thày Võ Trọng Hùng (1990-1994) làm Phó Trưởng Bộ môn. Đây là giai đoạn khó khăn với hoạt động đào tạo của Bộ môn Xây dựng Mỏ. Từ ngày thành lập đến cuối những năm 80 thế kỷ trước, Bộ môn Xây dựng Mỏ chỉ đào tạo một chuyên ngành “Xây dựng Mỏ” cho bậc đại học. Những năm này số lượng sinh viên vào học ngành “Xây dựng Mỏ” không nhiều. Có năm số sinh viên không đủ một lớp riêng biệt để đào tạo. Sự tồn tại của ngành “Xây dựng Mỏ” và của cả Bộ môn Xây dựng Mỏ bị đe dọa. Khi đó đã có những ý kiến đề nghị không đào tạo tiếp ngành Xây dựng Mỏ và sáp nhập Bộ môn Xây dựng Mỏ vào một Bộ môn khác trong Khoa Mỏ. Tập thể Bộ môn đã kiên trì vận động và đưa ra quyết sách táo bạo: mở rộng ngành “Xây dựng Mỏ” thành ngành “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”. Chính quyết sách táo bạo này đã mở ra một thời kỳ mới phát triển cho ngành xây dựng các loại công trình ngầm khác nhau. Bộ môn đã bước sang trang mới phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn. Kể từ thời điểm này Nhà trường đã cho phép Bộ môn đổi tên từ “Bộ môn Xây dựng Mỏ” thành “Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”.

Năm 1995 Nhà trường đã bổ nhiệm thày Nguyễn Quang Phích (1995-2008) làm Trưởng Bộ môn và thày Võ Trọng Hùng (1995-2003), thày Nguyễn Xuân Mãn(1995-1998), thày Nguyễn Phúc Nhân (1998-2003), thày Nguyễn Văn Quyển (2003-2008), thày Ngô Doãn Hào (2003-2008) làm Phó Trưởng Bộ môn. Trong 14 năm này, Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ đã kiên trì phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo ngành “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”. Ngành “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ” đã trở thành một ngành có uy tín trong xã hội. Các kỹ sư của ngành đã chứng tỏ năng lực đào tạo của Bộ môn được xã hội sử dụng với hiệu quả tốt.

Đầu năm 2008 Nhà trường đã bổ nhiệm thày Võ Trọng Hùng (2008-nay) làm Trưởng Bộ môn, thày Nguyễn Văn Quyển (2008-2010), thày Đỗ Ngọc Anh (2008-2011 & 2014-nay), Thày Nguyễn Chí Thành (2012-2014), Thày Nguyễn Tài Tiến (2011-2015), Thày Đặng Trung Thành (2015-nay) làm Phó Trưởng Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”.

Để nâng cao quy mô, ngành nghề đào tạo trong giai đoạn mới, ngày 18/1/2010, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất đã ký Quyết định số 40/QĐ-MĐC thành lập Khoa Xây dựng trên cơ sở đội ngũ cán bộ sẵn có của Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ và cử GS.TS. Võ Trọng Hùng (2010-2015) làm Trưởng Khoa, GVC.TS. Nguyễn Văn Quyển và ThS. Đỗ Ngọc Anh làm Phó Trưởng khoa.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, tính đến nay tổng số các cán bộ đã và đang làm việc tại Bộ môn là 55 người gồm 47 CBGD và 8 CBTN trong đó có 2 Nhà giáo ưu tú, 2 Giáo sư, 3 Phó giáo sư, 18 Tiến sĩ.

Hiện nay Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ Trường Đại học Mỏ-Địa chất đang tiến hành đào tạo cán bộ Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ cho cả nước, gồm 3 nhóm chuyên môn khác nhau gồm: Xây dựng Công trình ngầm; Xây dựng Mỏ; Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ. Bộ môn có 16 giảng viên (trong đó có: 01 GS, 01 PGS và 06 TS, 05 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài: Nga, Hàn Quốc, Pháp, Ba Lan, 01 cán bộ làm nghiên cứu sinh trong nước, 01 cán bộ ThS, và 1 cán bộ - KS phục vụ giảng dạy.

Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ còn là một vườn ươm tài năng, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý cấp Trường và Khoa như: Phó Hiệu trưởng; Trưởng khoa; Trưởng phòng.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Với những cố gắng phấn đấu liên tục, trước những thành tích đạt được trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ” đã nhiều năm liền được công nhận là “Tập thể Lao động Xã hội Chủ nghĩa”, "Tập thể Lao động Giỏi", "Tập thể Lao động xuất sắc". Năm 1973 cùng với một số đơn vị khác trong Khoa Mỏ, trong đó thày và trò Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ” là lực lượng chủ yếu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì đã tham gia xây dựng công trình quốc phòng H.8. Nhiều công trình và dự án bộ môn tham gia thiết kế và thi công đã được cơ quan hữu quan đánh giá cao và tặng thưởng bằng khen. Bộ môn đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo trao tặng 04 bằng khen. Năm 2004 Tập thể Bộ môn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2011 Tập thể Bộ môn đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba.

Cùng với các phần thưởng của tập thể, 100% các thành viên của Bộ môn đã nhận được nhiều phần thưởng khác nhau của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến Nhà trường: 02 Huân chương Lao động Hạng 3; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 01 Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; nhiều danh hiệu “Chiến sỹ Thi đua cấp Bộ” và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương các loại.

Năm 2009, vì những thành tích to lớn trong các công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích phấn đấu của tập thể Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ” trong quá trình xây dựng và trưởng thành.

Để đạt được những thành tích nói trên, thày và trò Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, Khoa Xây dựng luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và các Phòng ban trong toàn trường. Những thành tích nói trên không thể tách rời sự hợp tác, giúp đỡ rất hiệu quả của nhiều cơ quan, xí nghiệp trong cả nước thuộc Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, nhiều Bộ Ban ngành trung ương và địa phương; đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị thành viên; Tổng Công ty Sông Đà và các đơn vị thành viên; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Bộ tư lệnh Công binh; nhiều Tổng Công ty, Công ty, trường Đại học, trường Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề, nhiều Viện nghiên cứu, Viện thiết kế,... ở khắp mọi miền đất nước.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ” rất tự hào về những thành tích đạt được, nhưng cũng nhận thức rằng: để đáp ứng mục tiêu là từng bước xây dựng trường Đại học Mỏ-Địa chất nói chung và Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, Khoa Xây dựng nói riêng trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao mang tầm khu vực, cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ trong các lĩnh vực xây dựng hướng tới thực hiện mục tiêu Tự chủ-Đổi mới-Chất lượng cao mà Nhà trường đã đề ra, Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, Khoa Xây dựng cần phấn đấu nhiều hơn nữa, cụ thể là:

  • Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trong đó tập trung vào: hoàn thiện chương trình đào tạo hiện có; phát triển đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài, đặc biệt là công tác đào tạo sau đại học và chương trình đào tạo chất lượng cao; mở rộng các điểm đào tạo ở các khu vực khác; đẩy mạnh đào tạo sau đại học bao gồm cao học và đặc biệt là đào tạo nghiên cứu sinh; tăng cường cơ sở vật chất cho công tác đào tạo; đẩy mạnh hơn nữa công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo phục vụ cho dạy và học theo chương trình mới;
  • Tăng cường năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ viên chức. Trong đó ưu tiên phát triển các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, gắn chặt nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo nghiên cứu sinh. Xây dựng các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như Trung tâm hoặc các nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm khoa học công nghệ; tiếp tục khuyến khích cán bộ tham gia hội nghị khoa học quốc tế và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế;
  • Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm; phát huy hiệu quả cơ sở vật chất hiện có đặc biệt là phòng thí nghiệm, xin cấp giấy phép hoạt động của phòng thí nghiệm;
  • Tiếp tục chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, ưu tiên cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ tại các nước có nền giáo dục và khoa học phát triển, phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ giảng dạy có trình độ đào tạo tiến sĩ;
  • Tiếp tục tận dụng được sự ủng hộ của lãnh đạo và các đơn vị trong nhà trường, các cá nhân, cơ quan, tổ chức bên ngoài trường, phát huy được tinh thần đoàn kết tập thể và năng lực của tập thể các cá nhân trong Khoa để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Với truyền thống vẻ vang của Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, thế và lực hiện tại của Khoa Xây dựng, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và bạn đồng nghiệp khắp nơi, chúng ta tin tưởng rằng: mặc dù nhiệm vụ trước mắt vô cùng nặng nề nhưng Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, Khoa Xây dựng sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quyết tâm xây dựng Bộ môn “Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ”, Khoa Xây dựng trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị

Bộ môn và các cán bộ của Bộ môn đã được nhận nhiều Bằng khen và Huân chương Lao động Hạng ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng.