Văn phòng: Tầng 9, nhà C12 tầng, Trường ĐH Mỏ-Địa chất

Địa chỉ: Tầng 9, nhà C12 tầng, Trường ĐH Mỏ-Địa chất, Số 18, phố Viên,·phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, Hà Nội

Email: baotangdiachat.humg@gmail.com

1.Giới thiệu chung lịch sử phát triển:

          Bảo tàng Địa chất của trường Đại học Mỏ - Địa chất thừa hưởng bộ sưu tập mẫu của Phòng thí nghiệm Địa chất thuộc Trường Đại học Đông Dương trước đây (tiền thân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này được sát nhập với một số trường và đổi tên thành trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay). Phòng thí nghiệm do giáo sư Hoffet xây dựng năm 1941 khi ông được cử sang dạy môn Địa chất học ở Trường Đại học Khoa học đầu tiên thuộc Đại học Đông Dương. Khi Nhật đảo chính Pháp, giáo sư Hoffet đã dời khỏi trường và mất tích. Từ đó Giáo sư Nguyễn Văn Chiển trở thành người quản lý của Phòng thí nghiệm.

          Đầu năm 1956 Viện sỹ J.A. Orlov đã đề nghị Đoàn Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô trợ giúp Bộ môn Địa chất trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (thành lập năm 1956) bổ sung các mẫu khoáng vật, cổ sinh và một số sách về cổ sinh vật học. Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã đồng ý với kiến nghị này. Đồng thời, Viện sỹ J.A. Orlov cũng gửi thư cho các đồng nghiệp ở Trung Quốc lưu ý giúp đõ Bảo tàng Địa chất trong việc xây dựng bổ sung các loại mẫu cho Bảo tàng.

          Giữa năm 1956, GS Nguyễn Văn Chiển được Bộ giáo dục giao trách nhiệm xây dựng ngành Mỏ - Địa chất ở Đại học Bách khoa, ông đã chuyển toàn bộ Phòng thí nghiệm trong đó có Bảo tàng Địa chất, Thư viện Địa chất, và các dụng cụ gia công mẫu về Đại học Bách Khoa. Cùng với cơ sở vật chất này, các thầy Nguyễn Văn Chiển, Trương Cam Bảo và Vũ Đình Quế đã xây dựng nên Bộ môn Địa chất thuộc trường Đại học Bách khoa. Đên tháng 10 năm 1956 Bảo tàng đã nhận được các bộ mẫu vật do Viện sỹ J.A. Orlov gửi tặng.

          Đợt bổ sung mẫu quan trọng thứ hai cho Bảo tàng được thực hiện với sự góp sức đắc lực của hai nhà giáo Tô Linh và Võ Năng Lạc. Tháng 10 năm 1957 GS Nguyễn Văn Chiển đã đến thăm Học viện Địa chất Bắc Kinh và được nhà trường tặng đoàn một số mẫu đá, khoáng vật và cổ sinh.

Năm 1958 Giáo sư G.I. Nhemcov thuộc trường Địa chất Thăm dò Matxcova (MGR) tới Việt Nam làm việc đã giúp thiết kế xây dựng 6 tủ mẫu cho Bảo tàng. Cuối năm 1965 khi trường Đại học Bách khoa hoàn thành việc xây dựng, Khoa Địa chất được bố trí một phòng bảo tàng rộng khoảng 120m2. Tuy nhiên Bảo tàng chưa kịp sử dụng cơ sở mới thì phải đi sơ tán do Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc.

Năm 1966, Khoa Địa chất trường Đại học Bách Khoa chia đôi để thành lập trường Đại học Mỏ Địa chất và Khoa Địa lý - Địa chất trường Đại học Tổng hợp. Bảo tàng Địa chất từ đó trực thuộc trường Đại học Mỏ Địa chất. Ngay sau khi thành lập, trường Đại học Mỏ Địa chất lại phải đi sơ tán các tỉnh xa Hà Nội (Lạng Sơn, Hà Bắc, Thái Nguyên,…) nhưng Bảo tàng Địa chất vẫn ở lại cơ sở cũ tại Đại học Bách khoa. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Bảo tàng không được đầu tư xây dựng thêm. Bên cạnh đó các cán bộ giảng dạy các môn chuyên môn mang nhiều mẫu vật về các vùng sơ tán để giảng dạy cho các lớp sinh viên làm cho lượng mẫu vật của Bảo tàng bị phân tán và thất thoát nhiều. Đến giữa năm 1975 trường Đại học Mỏ Địa chất lại di chuyển từ Hà Bắc tới Thái Nguyên và đến năm 1982 thì chuyển về địa điểm mới tại xã Cổ Nhuế - Hà Nội. Do các khó khăn về kinh tế và di chuyển liên tục nên Bảo tàng bị xuống cấp nghiệm trọng.

Năm 1988, Tiến sỹ Nguyễn Văn Liêm được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng. Sau đó lần lượt PGS.TS.Mai Văn Lạc (1991-2006), PGS.TS.Trần Thanh Hải (2006-2012), TS.Trần Mỹ Dũng (2012 -2015) và PGS.TS.Ngô Xuân Thành (từ 2015 đến nay ) được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng chịu trách nhiệm củng cố xây dựng, bổ sung lại Bảo tàng và chuyển bảo tàng về khu A Đại học Mỏ-Địa chất ngày nay.

Năm 2014, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư tặng Bảo tàng 8 tủ trưng bày mẫu hiện đại cùng bộ mẫu thạch học magma, trầm tích, biến chất và các loại mẫu khoáng sản (500 mẫu). Ngoài ra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đầu tư xây dựng phòng tư liệu chiếu phim và học tập hiện đại phục vụ người học và các giảng viên.  Nhờ có sự đầu tư và giúp đỡ này, đến nay Bảo tàng có một số lượng mẫu khá lớn, đại diện cho hầu hết các địa tầng, phức hệ và các loại khoáng sản có trên Việt Nam. Các mẫu này đã bổ sung không những nhằm phục vụ sinh viên, học viên học tập, tiếp cận địa chất, tài nguyên Việt Nam mà còn xây dựng Bảo tàng trở thành nơi lưu giữ những nguồn thông tin Địa chất học quan trọng của nước nhà.

Tình đến nay, trong Bảo tàng Địa chất đang lưu giữ hầu hết các bộ mẫu thân mềm và bò sát Kreta do giáo sư Hoffet sưu tập từ Hạ Lào (từ năm 1941), một số mẫu do Liên Xô và Trung Quốc và một số nước khác tặng. Một số mẫu do nhà trường mua sẵn cũng như từ các đợt đi tham gia phục vụ sản xuất, đi công tác ở nước ngoài của các cán bộ chuyên môn của nhà trường và từ các đợt đi thực tập của các sinh viên đã đem về cho Bảo tàng và các mẫu vật do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tặng. Các mẫu vật này nhằm phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Mỗi mẫu đó đều do bàn tay đập đá, vai đeo của giáo viên và học sinh của trường và do sự giúp đỡ vô tư, chí tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác, các đơn vị chuyên môn địa chất khoáng sản trong nước tặng, tất cả đều chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng với sự nghiệp Khoa học Địa chất của chúng ta. Ngày nay Bảo tàng Địa chất đã ngày càng được xây dựng, bổ sung thêm trở thành nơi lưu giữ những nguồn thông tin Địa chất học của Việt Nam và ttreen thế giới, trở thành nơi tham quan, thực tập của các sinh viên và nghiên cứu khoa học Địa chất, một đến điểm sáng của Nhà trường.

2.Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị:

Tổng số cán bộ của Bảo tàng là 02 cán bộ, trong đó có 1 PGS.TS, 1 ThS.

3. Cơ sở vật chất:

Sau hơn bảy mươi năm thành lập Bảo tàng hiện nay cơ sở của Bảo tàng gồm 3 phòng rộng khoảng 300m2 (Phòng trưng bày mẫu, tranh ảnh, phòng sinh hoạt học thuật, phòng Giám đốc Bảo tàng) và đã thu thập cho trưng bày và lưu trữ khoảng 1000 mẫu vật, tranh ảnh và các loại bản đồ địa chất phục vụ cho sinh viên học tập, khách tham quan Bảo tàng.

4.Hoạt động chính và những kết quả đạt được

- Công tác đào tạo: Bảo tàng Địa chất chịu trách nhiệm hướng dẫn các lớp sinh viên tham quan mẫu vật, bản đồ địa chất Việt Nam, bản đồ khoáng sản Việt Nam và tranh ảnh,..liên quan tới các môn học Địa chất cơ sở, Địa chất đại cương, Địa chất Việt Nam, Cổ sinh vật học, Địa chất cấu tạo..và đón tiếp các đoàn khách tham quan học tập và nghiên cứu khoa học Địa chất ở trong, ngoài trường và các đoàn khách Quốc tế khi đến hợp tác, giao lưu với trường. Tổ chức chuẩn bị các buổi hội thảo của khoa Địa chất tại phòng sinh hoạt học thuật…

- Đề tài công trình  NCKH và Dự án:

Bảo tàng đã thực hiện chuyên đề: “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng bộ mẫu địa chất tại Đại học Mỏ-Địa chất” do PGS.TS. Trần Thanh Hải thực hiện năm 2010.

- Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo: Bảo tàng là nơi tham quan của nhiều đoàn khách quốc tế đến từ các nước như Nhật bản, Hàn quốc, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Canada, Đức…. Hàng năm Bảo tàng vẫn đón 10-15 đoàn khách quốc tế đến thăm Trường, Khoa và thăm Bảo tàng.

- Tài liệu Sách, Giáo trình và Bài giảng: Hiện nay Bảo tàng có các tủ lưu giữ các tư liệu học tập, các giáo trình tham khảo về địa chất, khoáng sản, địa tầng Việt Nam và các bộ bản đồ 1:200.000; hàng chục phim tư liệu phục vụ học tập và giảng dạy, tham khảo.

- Công tác và hoạt động sinh viên: Hầu hết các sinh viên đại học, cao học chuyên ngành địa chất, dầu khí, mỏ… hàng năm đến tham quan và học tập, lấy tư liệu từ Bảo tàng. Bảo tàng là nơi phục vụ trực tiếp các môn học liên quan đến địa chất Đại cương, Địa chất cấu tạo và đo vẽ bản đồ địa chất, Địa chất Việt Nam, các môn khoáng sản, thạch học… Hàng năm Bảo tàng đón từ 500-600 sinh viên, học viên và NCS đến tham quan và lấy tư liệu học tập, nghiên cứu.

5.Mục tiêu và Định hướng phát triển

- Công tác đào tạo:  Hướng dẫn sinh viên nghành địa chất và các khách tham quan các mẫu vật trong bảo tàng giúp xác định các mẫu thạch học, khoáng sản, tinh thể khoáng vật, cổ sinh địa tầng bổ trợ cho các môn học Địa chất đại cương, địa chất Việt Nam, cổ sinh địa sử, Tinh thể khoáng vật và Thạch học.

- Nghiên cứu khoa học:

+ Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Địa chất tập trung vào các hướng xây dựng các mô hình mô tả các quá trình hoạt động địa chất, các mặt cắt địa chất, xây dựng các maket và thu thập các bộ mẫu vật theo các chủ đề như khoáng sản, thạch học, cổ sinh vật…..phục vụ cho học tập và tham quan của sinh viên.

+Tổ chức chuẩn bị các buổi hội thảo của khoa Địa chất tại phòng sinh hoạt học thuật…

- Xây dựng phát triển Bảo tàng:

            Xây dựng vườn địa chất tại sảnh của phòng trưng bày Bảo tàng Địa chất.

            Xây dựng, bổ sung các mẫu địa chất, tài nguyên và các mẫu trưng bày trong Bảo tàng.

           Phát huy các môi quan hệ hiện có; Mở rộng quan hệ với các Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Thiên nhiên và các đơn vị nghiên cứu, sản xuất nhằm xây dựng Bảo tàng tốt, đẹp và đa dạng thông tin hơn.

            Xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài Nghiên cứu Khoa học các cấp.

- Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo:

Bảo tàng Địa chất đang phát triển mối quan hệ hợp tác với Bảo tàng Địa chất số 6 Phạm Ngũ Lão thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam số 18, Hoàng Quốc Việt.

6. Khen thưởng