1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển của Bộ môn Khai thác lộ thiên
Tháng 10 năm 1965, ngành Khai thác mỏ lộ thiên (KTMLT) chính thức được ra đời và đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Khóa 10 (tức khóa 1 của Trường Đại học Mỏ - Địa chất), thuộc Bộ môn Khai thác Mỏ, tiền thân của Bộ môn Khai thác lộ thiên. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức được thành lập từ Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Bộ môn Khai thác lộ thiên (KTLT) để quản lý đào tạo ngành KTMLT vừa mới ra đời trước đó không lâu. Đội ngũ cán bộ đầu tiên của Bộ môn gồm 5 thầy: Phạm Văn Hiên, Lê Quang Hồng, Nguyễn Thanh Tuân, Hồ Sĩ Giao và Nguyễn Đình Ấu. Thầy Lê Quang Hồng được giao phụ trách Bộ môn KTLT.
Từ ngày đầu thành lập, lực lượng cán bộ của Bộ môn còn khá mỏng, trình độ ban đầu chỉ là kỹ sư, nhưng với định hướng đúng đắn về xây dựng đội ngũ trí thức nên chỉ sau 10 năm ra đời, Bộ môn đã có 4 Phó tiến sĩ (PTS) (thầy Phạm Công Khanh, thầy Trần Mạnh Xuân, thầy Phạm Văn Hiên và thầy Lê Quang Hồng). Đây là những hạt nhân quan trọng, có vai trò định hướng phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bộ môn sau này. Ngay sau khi có quyết định số 446/TTg ngày 10/12/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhiệm vụ đào tạo Nghiên cứu sinh (NCS), với đội ngũ trí thức, được đào tạo bài bản từ các nước XHCN, Bộ môn đã đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đào tạo NCS. Ngành KTMLT là một trong những ngành đầu tiên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất được giao nhiệm vụ đào tạo NCS và thầy Hồ Sĩ Giao là NCS trong nước đầu tiên của Bộ môn KTLT đã bảo vệ thành công luận án PTS năm 1981.
Ngày 10/5/1991, Nhà nước có quyết định mở bậc đào tạo cao học, cấp bằng thạc sĩ kỹ thuật, thì ngay sau đó (năm 1993), khóa cao học ngành Khai thác mỏ đầu tiên được mở ra và từ đó tới nay Bộ môn KTLT liên tục đào tạo bậc cao học.
Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa; đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và quan trọng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, đảm bảo những quyền lợi chính đáng của người lao động. Nhận thức được vai trò của công tác đào tạo kỹ sư ngành An toàn, vệ sinh lao động trong ngành mỏ nói riêng và trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất nói chung, năm 2019 Bộ môn KTLT đã tiến hành xây dựng đề án mở mới đào tạo Kỹ sư ngành An toàn, vệ sinh lao động và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên (K67) từ năm 2022 cho đến nay.
Trong 60 năm lịch sử phát triển, Bộ môn KTLT đã có 3 Giáo sư, 7 Phó Giáo sư, 1 Tiến sĩ khoa học, 10 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ và một số Kỹ sư.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Bộ môn có 3 nhóm chuyên môn: Công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, Công nghệ Khoan - nổ mìn và An toàn, vệ sinh lao động. Hiện tại, Bộ môn KTLT có 11 cán bộ viên chức là giảng viên, trong đó có 3 GVCC.PGS.TS, 6 GVC.TS, 1 GVC.ThS (NCS trong nước) và 1 GV.ThS (NCS nước ngoài). Đây là một trong những bộ môn chuyên ngành có tiềm lực khoa học mạnh của Khoa Mỏ và Nhà trường hiện nay.
3. Những hoạt động chính và những thành tích đạt được
a. Đào tạo:
- Đại học :
+ Ngành Kỹ thuật mỏ
+ Ngành An toàn, vệ sinh lao động
- Cao học: ngành Khai thác mỏ
- Nghiên cứu sinh: ngành Khai thác mỏ
Các hình thức đào tạo khác: bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cấp chứng chỉ, chứng nhận Quản lý điều hành mỏ; Kỹ thuật và an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; An toàn, vệ sinh lao động .
b. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
Nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án cấp Nhà nước, nghị định thư, song phương, cấp Bộ, cấp tỉnh và các đề tài nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất.
Tổ chức, đồng tổ chức và tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, quốc gia, cấp trường và cấp khoa,…
c. Hợp tác quốc tế:
Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các nước CHLB Đức, LB Nga, CH Pháp, Balan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Mỹ,…
d. Thành tích đạt được:
- Đào tạo:
Trong 60 năm qua, Bộ môn KTLT đã đào tạo được hơn 500 cử nhân, gần 5000 kỹ sư, 400 thạc sĩ, 30 tiến sĩ (trong đó có 50 kỹ sư, gần 20 thạc sĩ và 01 tiến sĩ cho nước CHDCND Lào; khoảng 15 kỹ sư và 5 thạc sĩ cho Vương quốc Campuchia); đóng góp 3 chuyên gia giáo dục cho Angola và Algieria.
Đã xuất bản gần 30 giáo trình cấp trường, 15 giáo trình và 30 sách tham khảo, chuyên khảo tại các Nhà xuất bản có uy tín trong nước và 1 sách chuyên khảo ở nhà xuất bản quốc tế uy tín Elsvier.
- Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
Trong 60 năm đã thực hiện gần 15 đề tài cấp Nhà nước, 15 đề tài cấp bộ, 15 đề tài cấp tỉnh, 25 đề tài cấp trường, hàng trăm đề tài NCKH và phục vụ sản xuất.
Đã công bố gần 500 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế và trong nước; là một trong những bộ môn có công bố quốc tế trong danh mục ISI, Scopus nhiều nhất trường (hơn 100 bài).
Là chủ biên (Editor) và đồng chủ biên (Co-Editor) 03 tuyển tập các bài báo của các Hội nghị khoa học quốc tế ISRM 2020 và GTER 2022 được xuất bản tại Nhà xuất bản quốc tế uy tín Springer.
Đã chủ trì tổ chức thành công các Hội nghị quốc tế Advances in Mining and Tunneling (2008, 2012, 2014); Mining Environmental Problems and Protection (2009); Advances in Surface Mining for Environment Protection and Sustainable Development (2015); Innovations for Sustainable and Responsible Mining (2020),…
Đã chủ trì các số chuyên đề trong các tạp chí Công nghiệp mỏ (2010); Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất (2006, 2020); Journal of the Polish Mineral Engineering Society (Scopus, 2020); Advances in Geospatial Technology in Mining and Earth Sciences (2022)..
Đã chủ trì 02 giải pháp hữu ích và 01 sở hữu tác giả được bảo hộ bởi Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN.
- Hợp tác quốc tế:
Hợp tác có hiệu quả với GS. Drebenstedt và GS. Mahmut Kuyumcu (TU Bergakademie Freiberg -CHLB Đức); GS. Changwoo Lee và TS. Nguyễn Văn Đức (Dong A University – Hàn Quốc); GS. Igarashi (Hokkaido University – Nhật Bản); GS. Sasaki (Kyushu University – Nhật Bản); GS. V. Petrov và GS. V. Ashtruskevich (Moscow Mining University – LB Nga); GS. David Laurence (UNSW – Australia); GS. Pinyo (Chulalongkorn University – Thái Lan); GS. Chairoj và GS. Pirat (Chiangmai University – Thái Lan); GS. Cai (China University of Mining and Technology – Trung Quốc),… trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Là trưởng nhóm, thư ký và thành viên chủ chốt của Nhóm nghiên cứu mạnh Innovations for Sustainable and Responsible Mining (ISRM) của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tập hợp được nhiều nhà khoa học quốc tế tham gia, có nhiều dự án hợp tác khoa học có kết quả.
4. Mục tiêu và định hướng phát triển
a. Công tác cán bộ, tổ chức đào tạo:
- Tập trung xây dựng 3 nhóm chuyên môn đủ mạnh, với tổng số cán bộ khoảng 15 người có trình độ cao, đến 2025 phấn đấu 100% giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 50% giảng viên có chức danh Phó giáo sư trở lên, có thể giảng dạy bằng tiếng Anh.
- Trong thời gian tới, Bộ môn KTLT sẽ tiến hành mở mới các ngành, chuyên ngành đào tạo sau:
+ Cao học: An toàn, vệ sinh lao động
+ Chuyên ngành đại học: Kỹ thuật nổ mìn công nghiệp và dân dụng.
b. Công tác đào tạo:
- Nâng cao chất lượng đào tạo các bậc học đại học, cao học và nghiên cứu sinh đáp ứng chuẩn đầu ra đã công bố, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
- Thực hiện tốt chương trình đào tạo theo tín chỉ, đổi mới phương pháp dạy và học, lựa chọn phương pháp giảng dạy và học tập hợp lý cho từng học phần do Bộ môn đảm nhận với từng đối tượng người học; tăng cường công tác thực hành, thực tập.
- Phấn đấu 100% các học phần các bậc đào tạo do Bộ môn phụ trách có giáo trình được in ở cấp nhà xuất bản;
- Nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 2 phòng thí nghiệm: Công nghệ khai thác mỏ 4.0 và An toàn, vệ sinh lao động, đáp ứng yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
c. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
- Xây dựng các chương trình KHCN, các đề tài, dự án cấp Nhà nước, nghị định thư, song phương, cấp Bộ, cấp tỉnh và các đề tài nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất.
- Tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, quốc gia; tăng cường công bố các công trình khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế uy tín, đặc biệt ưu tiên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục WoS (ISI), Scopus,… và sách in tại các Nhà xuất bản quốc tế uy tín như Elsvier, Springer,…
- Đẩy mạnh đăng ký sử hữu trí tuệ các công trình và công bố khoa học tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN.
d. Hợp tác quốc tế:
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống và các đối tác mới trong đào tạo (NCS, Cao học), nghiên cứu khoa học (xây dựng các dự án nghiên cứu chung, tổ chức và tha gia các hội nghị khoa học; hợp tác trong công bố quốc tế,…) và chuyển giao công nghệ.
- Tích cực giao lưu trong trao đổi học thuật, giảng dạy, thỉnh giảng, nhận sinh viên thực tập,… với các trường đại học có cùng chuyên môn của các nước truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Trung Quốc,…
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh ISRM trong các dự án nghiên cứu khoa học chung và công bố quốc tế.
5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị
a. Tập thể:
01 Huân chương Lao động Hạng III;
01 Cờ thi đua của Bộ giáo dục và Đào tạo;
02 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ;
03 Bằng khen của Bộ trưỏng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
01 Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
b. Cá nhân:
01 Nhà giáo Nhân dân
06 Nhà giáo Ưu tú
03 Huân chương Lao động hạng III
05 Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ
20 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
05 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo
02 Danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu
06 Huy hiệu Thợ mỏ vẻ vang
03 Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ