I. Thông tin chung
1. Giới thiệu
Bộ môn Địa chất được thành lập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 15 tháng 10 năm 1956. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đào tạo cán bộ chuyên môn cho đất nước, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và chuyển giao kết quả nghiên cứu về tài nguyên địa chất và môi trường địa chất cho nhiều ngành và địa phương trên khắp mọi miền đất nước.
Khi mới thành lập năm 1956, Bộ môn Địa chất chỉ có 4 cán bộ do thầy Nguyễn Văn Chiển làm Trưởng Bộ môn. Đến những năm 60 của thế kỷ trước, đội ngũ cán bộ Bộ môn đã lớn mạnh tới gần 20 thành viên gồm những cán bộ trẻ và xuất sắc mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và ngoài nước.
Trong thời gian trực thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (từ Khóa 1 đến Khóa 10), Bộ môn đã trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành của ngành Địa chất Việt Nam. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ môn Địa chất phải sơ tán về Lạng Sơn cùng với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn ở nơi sơ tán nhưng hoạt động giảng dạy và đào tạo của Bộ môn vẫn được duy trì đều đặn.
Năm 1966, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập và Bộ môn Địa chất trở thành một bộ phận của Khoa Địa chất Thăm dò. Nhiều cán bộ của Bộ môn đã trở thành nòng cốt để xây dựng các bộ môn mới trong Khoa, đồng thời với việc bổ sung nhiều cán bộ trẻ mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và Liên Xô vào đội ngũ của Bộ môn.
Năm 1967, Bộ môn Địa chất cùng với Khoa Địa chất Thăm dò lại phải đi sơ tán đến địa điểm mới (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trong những năm chiến tranh sau đó, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nơi sơ tán và hoàn cảnh chiến tranh, Bộ môn vẫn tiếp tục lớn mạnh, đảm nhận giảng dạy hàng loạt môn học cơ sở chuyên ngành quan trọng cho Ngành địa chất và nhiều ngành khác thuộc Trường Đại học Mỏ - Địa chất như Địa chất Thăm dò, Địa chất Công trình, Mỏ và Trắc địa. Bên cạnh công tác giảng dạy, nhiều thầy cô trong Bộ môn còn chủ trì hoặc tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và điều tra địa chất khoáng sản, trong đó có các đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng các công trình thủy điện lớn. Ngoài việc khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, một số thầy trong Bộ môn đã nhập ngũ và trực tiếp tham gia chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Bộ môn được đẩy mạnh. Một số thầy cô được cử đi học tập ở các trường đại học trong và ngoài nước trong khi đó một số thầy cô lại được điều chuyển tới các trường đại học phía Nam để xây dựng các bộ môn và cơ cấu học thuật cho các trường này.
Đến cuối năm những năm 1980, đội ngũ cán bộ của Bộ môn đã rất vững mạnh bởi sự tập hợp của nhiều nhà khoa học đầu ngành được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Đội ngũ cán bộ trình độ cao và giàu kinh nghiệm này không chỉ giúp Bộ môn hoàn thành một khối lượng công tác giảng dạy lớn mà đóng góp đáng kể vào thành tựu nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất của Bộ môn. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh và một số hướng nghiên cứu mới được triển khai như Địa chất Biển hoặc áp dụng Thuyết kiến tạo Mảng trong giải đoán địa chất. Nhiều thầy cô đã tham gia vào các đề án lớn như luận chứng kinh tế kỹ thuật cho các công trình thủy điện và lập bản đồ địa chất ở phần phía Nam đất nước.
Đầu những năm 1990 đánh dấu trưởng thành của Bộ môn Địa chất cùng với cùng với thời kỳ đổi mới của đất nước. Các thầy cô trong Bộ môn đã tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản với nhiều tổ chức trong và ngoài nước và nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần đáng kể vào việc đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, nhận dạng các tai biến địa chất ở nhiều địa phương. Một số thầy cô trong Bộ môn đã tham gia hoặc chủ trì thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nhiều công ty lớn như Việt-Xô Petro, hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thuộc chương trình KT-01 về Tài nguyên và Dầu khí.
Từ giữa những năm 1990, Bộ môn Địa chất bắt đầu chuyển hướng sang một giai đoạn phát triển mới, năng động và uyển chuyển để phù hợp với các thay đổi và xu thế của xã hội. Ngoài những môn và ngành đào tạo truyền thống, Bộ môn đã đưa các môn học mới như Địa chất Biển, Phương pháp viễn thám, Địa chất môi trường vào chương trình giảng dạy. Các môn học truyền thống do Bộ môn đảm trách đã và đang được chuẩn hóa theo hướng cập nhật kiến thức hiện đại và phù hợp với nhu cầu thực tế. Các chương trình đào tạo trên đại học được xây dựng với cả trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Bước sang thế kỷ 21, Bộ môn Địa chất có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đội ngũ các thầy cô giàu kinh nghiệm dần về nghỉ chế độ và được thay thế bởi đội ngũ cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận được coi là nhiệm vụ chiến lược của Bộ môn. Hàng loạt cán bộ trẻ được gửi đi học tập và nghiên cứu trên đại học tại nhiều nước như Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc. Đến nay, hầu hết đội ngũ cán cán bộ trẻ của bộ môn đều được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã tiếp thu kiến thức mới và kinh nghiệm làm việc hiện đại và trở thành đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhờ có một đội ngũ cán bộ trẻ và năng động, công tác đào tạo của Bộ môn Địa chất cũng có những chuyển biến tích cực. Hệ thống bài giảng liên tục được bổ sung và cập nhật các kiến thức hiện đại. Các chương trình đào tạo cả ở trình độ đại học và trên đại học đều được cải tiến và nâng cấp thường xuyên cho phù hợp yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế, đặc biệt là đối với học chế tín chỉ. Nhiều môn học mới được bổ sung để đáp ứng nhu cầu của người học.
Bên cạnh công tác đào tạo, các thầy trong Bộ môn đã và đang tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất trong đó một số thầy cô là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản, và các hợp đồng nghiên cứu và phục vụ sản xuất của nhiều tập đoàn, tổng công ty và địa phương. Các lĩnh vực khoa học chuyên sâu được các thầy cô trong bộ môn triển khai nghiên cứu bao gồm kiến tạo học, cấu trúc địa chất và tiến hóa địa chất khu vực, địa động lực, cổ sinh vật, quan hệ giữa cấu trúc khu vực với sinh khoáng nội sinh, dầu khí, tai biến địa chất,..
Bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong nước, Bộ môn Địa chất cũng thiết lập được quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, và trao đổi học thuật, đặc biệt là trong những năm gần đây. Hiện nay Bộ môn đã thiết lập được các quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật với nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu và các công ty ở nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Canada, CHLB Đức, CHLB Nga, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Úc. Bộ môn đã và đang đón nhiều đoàn sinh viên của một số trường đại học ở Thái Lan và Trung Quốc đến thực tập và tham gia các hoạt động đào tạo. Ngoài việc cử các cán bộ tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức tại các nước nói trên, Bộ môn còn thiết lập được các chương trình nghiên cứu đào tạo chung với một số đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Bộ môn cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của một số công ty nước ngoài trong việc trang bị một số thiết bị giảng dạy và xây dựng thư viện của Bộ môn. Các mối quan hệ và hợp tác quốc tế này đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế, không những cho Bộ môn Địa chất nói riêng mà còn đối với khoa Địa chất và Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Đội ngũ cán bộ: Tổng số cán bộ của Bộ môn là 14 cán bộ, trong đó có 1 GS, 1 PGS, 8 Tiến sỹ, 3 NCS trong và nước ngoài, 2 Thạc sỹ và 1 Kỹ sư.
3. Cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm
Cơ sở vật chất: Để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện nay Bộ môn Địa chất đã định hình 4 nhóm chuyên môn cùng với một hệ thống phòng thí nghiệm phụ trợ (phòng Địa động lực và phòng Địa chất Đại cương)
4. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
Trong suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên Bộ môn Địa chất đã phấn đấu không mệt mỏi, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển ngành Địa chất học của Việt Nam.
Về đào tạo, ngoài việc đóng vai trò là bộ môn cơ sở của ngành Địa chất học và Kỹ thuật Địa chất trong đào tạo đại học với việc tham gia đào tạo hàng chục ngàn sinh viên bậc đại học và cao đẳng qua các thời kỳ. Hiện nay, Bộ môn Địa chất là một trong những bộ môn tiên phong của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đảm nhiệm việc giảng dạy các môn học Địa chất cơ sở cho nhiều ngành và chuyên ngành khác nhau của Nhà trường, trong đó có Địa chất Đại cương, Địa chất Cơ sở, Cổ Sinh - Địa Sử, Địa chất Cấu tạo và Vẽ bản đồ Địa chất, Địa kiến tạo, Địa mạo học, Viễn thám trong Địa chất, Tân kiến tạo và Trần tích Đệ Tứ, Địa chất môi trường, Địa chất Việt Nam…Bên cạnh đó, Bộ môn Địa chất là một trong những bộ môn đầu tiên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong đào tạo trên đại học, cả ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đặc biệt là với một số lĩnh vực quan trọng trong Địa chất học như Kiến tạo học, Cổ sinh-Địa sử, Địa chất khu vực, Địa chất Môi trường và Tai biến Địa chất, Địa chất biển, mối quan hệ giữa cấu trúc kiến tạo với sinh khoáng nội sinh và dầu khí. Kể từ khi Thầy Võ Năng Lạc trở thành người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) trong nước tại Bộ môn, đến nay Bộ môn đã đào tạo được 80 thạc sĩ, 30 tiến sĩ và hàng chục nghiên cứu sinh và học viên cao học khác hiện đang theo học tại Bộ môn. Ngoài ra, bộ môn còn tham gia đào tạo trên đại học cho nhiều ngành khác như Kỹ thuật Địa vật lý, Kỹ thuật Địa chất…
Trong nghiên cứu khoa học, Bộ môn Địa chất cũng là Bộ môn đi đầu trong việc chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp khác nhau. Từ những công trình đầu tiên về lập bản đồ Địa chất tỷ lệ 1:25.000 cho vùng mỏ Apatit Lào Cai của thầy Võ Năng Lạc chủ trì và công trình nghiên cứu các thành tạo Paleozoi thượng ở miền Bắc Việt Nam của thầy Nguyễn Văn Liêm, đến nay thầy và trò của Bộ môn đã chủ trì thực hiện hàng chục đề tài cấp nhà nước và hợp tác quốc tế, gần 15 đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, trong đó đáng kể nhất là đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học theo Nghị định thư với Trường Đại học Khoa học Địa chất Bắc Kinh (Trung Quốc) do GS. Đặng Văn Bát chủ trì, Chương trình Tiến hóa kiến tạo và Sinh khoáng và Các mỏ khoáng sản Đông nam Á của Đại học Tasmania do GS.TS. Trần Thanh Hải tham gia, và gần đây nhất là đề tài cấp Nhà nước BĐKH42 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (KHCN-BĐKH/11-15 và BĐKH.13) do GS.TS Trần Thanh Hải chủ trì.
Một thành tựu quan trọng đối với các kết quả nghiên cứu của các thầy cô trong bộ môn là các công bố khoa học quốc tế trong và ngoài nước. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các thầy cô trong bộ môn đã là các tác giả chính hoặc đồng tác giả của hơn 130 công bố khoa học, trong đó có hơn 40 bài báo khoa học quốc tế được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI,hơn 30 bài khác được đăng trên các tạp chí quốc tế khác và kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế và hơn 70 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước. Ngoài ra, cũng trong 10 năm qua, các thầy cô của Bộ môn cũng đã trình bày gần 30 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế và hàng chục báo cáo khác ở các hội nghị trong nước. Những thành tích công bố khoa học nói trên khẳng định vị thế của Bộ môn Địa chất là bộ môn có số lượng công bố quốc tế lớn nhất của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
5. Mục tiêu và định hướng phát triển
Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hòa nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế và xã hội toàn cầu, Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung và Bộ môn Địa chất nói riêng cần tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ về cả tư duy và hành động nhằm có thể tiếp cận và hòa nhập với khu vực và thế giới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ môn Địa chất sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng với phương châm đổi mới - chất lượng - hội nhập. Muốn đạt được mục tiêu này, một số hướng ưu tiên mà Bộ môn đã xác định như các ưu tiên hàng đầu như sau:
Xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực và trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm thực tế đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học hiện đại và hòa nhập quốc tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Bộ môn Địa chất. Việc xây dựng đội ngũ có đủ trình độ chuyên môn và có khả năng hợp tác quốc tế là yếu tố quyết định tới sự tồn tại và phát triển bền vững của Bộ môn trong tương lai. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ môn sẽ tiến tới việc bảo đảm toàn bộ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó hầu hết sẽ được đào tạo ở các nước tiên tiến.
Nâng cao chất lượng đào tạo ở các bậc đại học, cao học và tiến sĩ sẽ tiếp tục được duy trì và hoàn thiện thông qua việc luôn đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng cập nhật trình độ và tri thức của thế giới, nâng cao chất lượng bài giảng, giáo trình, phương pháp giảng dạy, từng bước hội nhập và quốc tế hóa trong đào tạo. Tăng cường mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo và thông qua các chương trình hợp tác, giảng dạy một số chuyên đề, hướng dẫn thực tập cho sinh viên nước ngoài tại Bộ môn.
Trong nghiên cứu khoa học, Bộ môn sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp theo cả hướng cơ bản lẫn ứng dụng nhằm phát huy tối đa sức mạnh tri thức của đội ngũ giảng viên của Bộ môn. Một số hướng nghiên cứu ưu tiên sẽ bao gồm áp dụng tổ hợp phương pháp định lượng trong luận giải cấu trúc kiến tạo khu vực và xây dựng các mô hình kiến tạo lãnh thổ trên quan điểm Kiến tạo Mảng; áp dụng nghiên cứu cấu trúc kiến tạo định lượng phục vụ dự báo tài nguyên địa chất hoặc tai biến địa chất, phòng tránh thiên tai và phát triển bền vững các vùng miền lãnh thổ… Bên cạnh đó, Bộ môn sẽ tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác và giao lưu quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và công bố quốc tế để bảo đảm duy trì tính tiên phong và trình độ quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Bộ môn.
6. Khen thưởng
Với những thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của các thầy cô qua nhiều thế hệ, Bộ môn Địa chất và nhiều thành viên của Bộ môn đã nhiều lần được khen thưởng, trong đó có cả Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng, Bằng khen của Bộ trưởng và nhiều giải thưởng khác về thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong năm 2015, thầy Trần Thanh Hải, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho thành tích xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản.
II. Ban lãnh đạo Bộ môn
- Trưởng Bộ môn: GS.TS Trần Thanh Hải
- Phó trưởng Bộ môn: PGS.TS Ngô Xuân Thành
TS Nguyễn Hữu Hiệp
III. Các thành viên Bộ môn
- Cán bộ giảng dạy:
1. GS.TS Trần Thanh Hải
2. PGS.TS Ngô Xuân Thành
3. TS Nguyễn Hữu Hiệp
4. ThS Nguyễn Quốc Hưng
5. TS Ngô Thị Kim Chi
6. ThS Vũ Anh Thư
7. TS Nguyễn Trường Tài
8. ThS Đào Văn Nghiêm
9. ThS Bùi Văn Hậu
10. ThS Phan Văn Bình
11. KS Vũ Anh Đạo
- Cán bộ trợ giảng:
1. ThS Bùi Thị Thu Hiền
IV. Liên kết ngoài như mạng xã hội (nếu có)
https://www.facebook.com/bomondiachat.humg