I. Thông tin chung
1. Giới thiệu
- Bộ môn Tìm kiếm - Thăm dò (TK-TD) thuộc khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất, được thành lập năm 1978 trên cơ sở tách nhóm Tìm kiếm - Thăm dò của Bộ môn Khoáng sản thuộc Khoa Địa chất. Từ năm 2018, Bộ môn hợp nhất với Bộ môn Khoáng sản và Bộ môn Nguyên liệu khoáng.
- Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đào tạo cán bộ Địa chất thăm dò, Địa chất mỏ, Nguyên liệu khoáng cho đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ trong các lĩnh vực điều tra cơ bản, tìm kiếm - thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, kết hợp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên khắp mọi miền đất nước.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Đội ngũ cán bộ hiện nay của Bộ môn có 17 người, trong đó có 3 PGS.TS, 2 GVC.TS, 5 TS, 1 GVC.ThS và 7ThS, trong đó có 4 giảng viên đang làm NCS tại Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Các giảng viên có độ tuổi chủ yếu dưới 45.
3. Cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm
Cơ sở vật chất: 3 văn phòng làm việc; 1 phòng thí nghiệm của bộ môn gồm có 4 mô đun: Thực hành mẫu Khoáng sản; Phân tích Khoáng vật; Nghiên cứu và Chế biến Khoáng sản; Triển khai Công nghệ thăm dò, Lưu trữ và Xử lý Thông tin Địa chất; 1 bãi thực tập Địa chất mỏ tại Kinh Môn - Hải Dương và Mạo Khê - Quảng Ninh; 1 bãi thực tập chuyên ngành tại Minh Quang - Ba Vì và Thanh Sơn - Phú Thọ.
4. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
4.1. Công tác đào tạo
- Đại học (mã số đào tạo 7520501): Chương trình đào tạo Đại học 4 năm và 5 năm các ngành Kỹ thuật Địa chất (Địa chất thăm dò và khoáng sản, Địa chất mỏ; Nguyên liệu khoáng).
- Cao học: Đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật Địa chất, chuyên ngành Địa chất Khoáng sản và Thăm dò, mã số đào tạo 8520501.
- Tiến sĩ: Ngành kỹ thuật địa chất, mã số đào tạo: 9520501 gồm 2 chuyên ngành
+ Chuyên ngành: Địa chất Tìm kiếm và Thăm dò
+ Chuyên ngành: Khoáng sản học
Bộ môn đã đào tạo được hàng nghìn sinh viên chuyên ngành Địa chất Thăm dò và Khoáng sản, hơn 600 thạc sỹ chuyên ngành Địa chất Khoáng sản và Thăm dò và 24 Tiến sỹ. Trong đó có 2 tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 55 kỹ sư cho nước CHDCND Lào.
4.2. Đề tài công trình NCKH và Dự án
- Các hướng nghiên cứu:
+ Nhóm Điều tra, thăm dò và Đánh giá kinh tế địa chất tài nguyên khoáng.
+ Nhóm Nghiên cứu thành phần vật chất và Nguồn gốc khoáng sản.
+ Nhóm Mô hình hóa và Ứng dụng Công nghệ thông tin trong nghiên cứu địa chất.
+ Nhóm Nghiên cứu Công nghệ chế biến và các Lĩnh vực sử dụng khoáng sản.
+ Nhóm Dự báo các khoáng sản tương lai thích ứng công nghệ 4.0.
- Các đề tài khoa học và triển khai công nghệ:
Nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ mới trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và đánh giá kinh tế địa chất tài nguyên khoáng sản, nghiên cứu địa chất phục vụ cho khai thác mỏ; Làm cố vấn và chỉ đạo thực hiện nhiều đề tài NCKH ở Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản,…
Bảng thống kê hoạt động NCKH của bộ môn Tìm kiếm - Thăm dò
STT
|
Thể loại
|
Số lượng
|
1
|
Đề tài cấp Nhà nước
|
10
|
2
|
Đề tài nghiên cứu cơ bản (Quỹ Nafosted)
|
06
|
3
|
Đề tài cấp Bộ và tương đương
|
38
|
4
|
Đề tài cấp Cơ sở
|
15
|
5
|
Các Dự án triển khai công nghệ và phục vụ sản xuất
|
130
|
6
|
Báo cáo tại hội nghị và bài báo trên tạp chí quốc tế
|
65
|
7
|
Báo cáo tại hội nghị và bài báo trên các tạp chí chuyên ngành
|
400
|
8
|
Hướng dẫn đề tài NCKH sinh viên
|
120
|
4.3. Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo
Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, Bộ môn còn mở rộng công tác hợp tác trong lĩnh vực đào tạo sau đại học với trường Đại học Khoa học tự nhiên Huế (Đại học Huế), trường Đại học Paichai, Yonsei (Hàn Quốc), trường Đại học AGH University of Science and Technology (Ba Lan), trường Đại học Wuhan University, Tongji University (Trung Quốc), trường Đại học Kanazawa (Nhật Bản), trường Đại học Tasmania và Đại học James Cook (Australia); trường Đại học Russian State Geological Prospecting University (Liên Bang Nga), trường Đại học UniLaSalle campus de Beauvais (Pháp), trường Cao đẳng Bách Khoa (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng chuyên đề cho kỹ sư địa chất, phối hợp với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức các lớp chủ biên cho ngành Địa chất. Nhiều cán bộ tham gia công tác tư vấn, cộng tác viên khoa học hoặc làm cố vấn trong các chương trình nghiên cứu khoa học ở các liên đoàn địa chất (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Văn phòng Hội đồng Đánh gía Trữ lượng Khoáng sản, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và Xuất khẩu Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Công nghệ Xạ - Hiếm, Viện Thông tin Lưu trữ, các sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công nghiệp của các tỉnh, thành, các Công ty, Tổng công ty trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác khoáng sản ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
Có thể nói, Bộ môn Tìm kiếm - Thăm dò là một trong số Bộ môn của trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, tham gia đào tạo cao học và nghiên cứu sinh cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đến nay Bộ môn đã chủ trì hàng trăm đề án thăm dò khoáng sản thuộc nhiều lĩnh vực khoáng sản khác nhau (kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý - hiếm, phóng xạ - đất hiếm, than, nguyên liệu sản xuất xi măng, đá xây dựng và ốp lát, cát, cuội, sỏi xây dựng...). Ngoài các đề án trong nước, Bộ môn còn hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức Địa chất thăm dò và khai thác mỏ và các trường đại học trên thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Campuchia. Những mối quan hệ và hợp tác này đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Bộ môn Tìm kiếm - Thăm dò nói riêng, khoa Địa chất và trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung.
4.4. Công tác Sách, Giáo trình, Bài giảng
Đến nay, Bộ môn đã biên soạn được 9 giáo trình cấp Nhà xuất bản: Phương pháp tìm kiếm khoáng sản rắn, Địa chất khai thác mỏ khoáng, Phương pháp tìm kiếm trọng sa, Tìm kiếm và thăm dò các mỏ khoáng sản rắn, Phương pháp thăm dò mỏ, Cẩm nang địa chất, Địa thống kê, Nghiên cứu đánh giá tài nguyên khoáng, Nguyên liệu khoáng Đại cương.
Giáo trình cấp trường: Phương pháp đánh giá kinh tế địa chất tài nguyên khoáng, Chỉ dẫn công tác địa chất trong xí nghiệp khai thác, Cơ sở địa chất và phương pháp thăm dò các mỏ than, Hướng dẫn thực tập sản xuất, Thực tập và thiết kế đồ án tốt nghiệp, Thực tập địa chất mỏ…
Đã biên soạn giáo 15 giáo trình và bài giảng giảng dạy cao học và nghiên cứu sinh: Phương pháp tìm kiếm và dự báo tài nguyên khoáng sản, Phương pháp xử lý thông tin địa chất, Phương pháp đánh giá và phân tích dự án đầu tư, GIS và địa thống kê, Mô hình hóa các tính chất của khoáng sản và Phương pháp thăm dò...
4.5. Công tác đoàn thể
Tổ công đoàn đã cùng chi bộ và bộ môn, triển khai và động viên toàn thể đoàn viên công đoàn của tổ tham gia tốt các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các chỉ thị nghị quyết của Đảng, để mọi đoàn viên của tổ nâng cao nhận thức và nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm công tác.
Luôn thông tin kịp thời các pháp lệnh công chức, quy chế dân chủ ở cơ sở để mọi đoàn viên công đoàn hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nâng cao kỷ cương, thực hiện quy chế, tránh các vi phạm trong công tác và trong giảng dạy.
Các cán bộ bộ môn định kỳ sinh hoạt lớp, giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn về ngành nghề, yên tâm rèn luyện và học tập, không ngừng nâng cao chất lượng học tập và phát triển một cách toàn diện.
Tham gia đầy đủ các phong trào thi đua đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo của Khoa và Nhà trường phát động.
4.6. Công tác và hoạt động sinh viên
Các cán bộ giáo viên chủ nhiệm của Bộ môn tích cực tham gia Hội nghị đối thoại với các cấp lãnh đạo Nhà trường hàng năm, là cầu nối thông tin giữa sinh viên với Nhà trường.
Hàng năm các giảng viên của Bộ môn đều hăng say hướng dẫn các nhóm sinh viên đăng ký nghiên cứu khoa học, đã có nhiều nhóm sinh viên đạt giải Sinh viên tài năng trường Đại học Mỏ - Địa chất và đạt giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”.
Hỗ trợ và ủng hộ sinh viên tích cực tham gia các phong trào văn thể, các hoạt động tình nguyện tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi góp phần xây dựng môi trường học tập tốt, sinh hoạt lành mạnh, ngăn chặn từ xa ảnh hưởng xấu của các tệ nạn xã hội.
5. Mục tiêu và định hướng phát triển
- Công tác đào tạo:
Tiếp tục đổi mới phương pháp và nội dung giảng dạy, thường xuyên cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới của Việt Nam và thế giới về lĩnh vực nghiên cứu địa chất, từng bước nâng cao và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất thí nghiệm, biên soạn bài giảng, giáo trình, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo đại học và sau đại học.
Nâng cao chất lượng các bậc đào tạo: cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên sâu Tìm kiếm - Thăm dò đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ sở sản xuất và nghiên cứu địa chất.
- Công tác cán bộ:
Hàng năm xây dựng kế hoạch tuyển chọn cán bộ và cử đi đào nghiên cứu sinh trong và ngoài nước hoặc tham gia các dự án quốc tế nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, nâng cao chất lượng đào tại đại học và sau đại học. Bộ môn xây dựng hoàn chỉnh các nhóm chuyên môn sâu, luôn bảo đảm 100% cán bộ có trình độ thạc sỹ trở lên, phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% cán bộ có trình độ tiến sỹ trở lên.
- Đề tài công trình NCKH và Dự án:
Hoàn thành các đề tài cơ sở, đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước đang tiến hành. Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu khoa học mới kết hợp với các thiết bị và phương pháp phân tích chất lượng cao. Phát huy các ý tưởng sáng tạo chuẩn bị cho đăng ký các đề tài cơ sở, đề tài cơ bản, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước.
- Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo:
Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các Trường, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các Doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên cả nước và Quốc tế.
- Tài liệu Sách, Giáo trình và Bài giảng:
Hoàn thành các giáo trình đang biên soạn: Nguyên liệu khoáng và công nghệ sản xuất đá xây dựng và đá ốp lát, Phương pháp tìm kiếm - thăm dò và đánh giá mỏ, Tin ứng dụng, GIS ứng dụng trong địa chất, Toán địa chất, Luật khoáng sản và luật bảo vệ môi trường…
- Công tác đoàn thể:
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ giảng dạy trẻ một cách thường xuyên và có chất lượng khá tốt thể hiện qua các buổi sinh hoạt học thuật của Bộ môn.
- Công tác và hoạt động sinh viên:
Tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, các buổi báo cáo để sinh viên có thể nắm được các đường lối, chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức chính trị trong sinh viên.
Tăng cường các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, để rèn luyện và giáo dục thể chất trong sinh viên.
Duy trì và tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài trường nhằm đa dạng hóa các hoạt động Đoàn thanh niên với mục tiêu hoàn thiện, phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên trong toàn khoa.
Chủ động sáng tạo trong việc tạo ra các sân chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên trong toàn khoa
Góp phần nâng cao chất lượng học tập trong sinh viên. Động viên tạo điều kiện sinh viên vượt khó học giỏi, thúc đẩy phong trào sinh viên NCKH nhằm phát huy tinh thần tự học và nâng cao khả năng sáng tạo trong sinh viên. Giúp sinh viên chuẩn bị tốt hành trang để đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới của đất nước.
Chủ động tìm kiếm các nguồn học bổng cho sinh viên, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.
Thường xuyên tuyên dương, khen thưởng và tuyên truyền những gương sáng điển hình trong phong trào để thúc đẩy tinh thần tự giác và hăng say học tập trong sinh viên.
6. Khen thưởng
- Tập thể: Với những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, năm 2004 Bộ môn đã được Chính phủ tặng bằng khen, nhiều năm được công nhận tổ lao động xã hội chủ nghĩa, tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen (các năm 1999, 2001, 2002, 2007, 2013, 2018, 2022)
- Cá nhân: Nhiều cán bộ của Bộ môn đã được phong tặng các danh hiệu cao quý: 03 nhà giáo ưu tú, 01 được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 01 cán bộ được tặng huy chương danh dự vì thế hệ trẻ, huy chương tuổi trẻ sáng tạo. Nhiều cán bộ giảng dạy đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, nhiều thầy cô được nhận huy chương vì sự nghiệp giáo dục, vì sự nghiệp khoa học công nghệ, vì sự nghiệp địa chất,… cùng nhiều bằng khen của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nhà trường và các đoàn thể.
II. Ban lãnh đạo Bộ môn
- Trưởng Bộ môn: PGS.TS Bùi Hoàng Bắc
- Phó trưởng Bộ môn: PGS.TS Khương Thế Hùng
- Phó trưởng Bộ môn: GVC. TS Nguyễn Thị Thanh Thảo
III. Các thành viên Bộ môn
- Cán bộ giảng dạy:
1. PGS.TS Lương Quang Khang
2. GVC.TS Lê Thị Thu
3. TS Phan Viết Sơn
4. TS Lê Xuân Trường
5. TS Phạm Như Sang
6. TS Nguyễn Khắc Du
7. GVC.ThS Hoàng Thị Thoa
8. ThS. NCS Nguyễn Duy Hưng
9. TS Nguyễn Đình Luyện
10. TS Bùi Thanh Tịnh
11. ThS Tạ Thị Toán
12. ThS Phạm Thị Thanh Hiền
13. ThS Đỗ Mạnh An
- Cán bộ trợ giảng:
1. TS Nguyễn Xuân Phú
IV. Liên kết ngoài như mạng xã hội (nếu có)
https://www.facebook.com/timkiemthamdo/